Ngạc nhiên sao chép, kinh hoàng “sáng tạo”!
Số trước, chúng tôi đã đề cập đến “ô nhiễm” kiến trúc. Số này chúng tôi tiếp tục giới thiệu bài viết, ý kiến liên quan đến chủ đề này. Bài và ảnh: KTS Lê Công Sỹ (Trà Vinh)
“Bội thực” đến mức nhiều người đã không còn muốn nghe thêm gì về nó?! Song dẫu có “cố tình làm ngơ” thì tình trạng mà giới chuyên môn vẫn thường gọi là ô nhiễm kiến trúc hay bát nháo kiến trúc vẫn cứ tồn tại. Những nguy cơ ấy nếu không nhận diện kịp thời và chấn chỉnh hợp lý thì “kiến trúc đô thị Việt Nam hiện đại và có bản sắc” vẫn chỉ là “tuyên ngôn thời thượng”. Bài viết này tập trung vào kiến trúc nhà ở tại các vùng nông thôn đang được đô thị hoá.
“Căn bệnh” đầu tiên là những minh hoạ hình ảnh nhiều ngôi nhà anh em “giống nhau như đúc”. Bên cạnh đó là những ngôi nhà đầy tính “sáng tạo”, “phá cách”… trong cái đô thị bé nhỏ của mình. Với vị trí là người hành nghề ở một địa phương cụ thể, chúng ta thử đi tìm sự lý giải cho tình trạng này.
a1 | a2 |
Khi chủ đầu tư muốn thể hiện mình
Với không ít ông chủ đầu tư có “cái tôi rủng rỉnh”, việc xây dựng công trình (nhất là các trụ sở, cơ quan ban ngành) trong thời gian nhiệm chức có ý nghĩa rất quan trọng trong “đời sống chính trị”. Người ta vẫn hay thích thể hiện mình bằng “ý đồ” hay phô diễn hiểu biết của mình thông qua công trình ấy. Nhất là trong trường hợp các quan chức tiền nhiệm vì sự cố phải “ra đi”, những người kế nhiệm thường hay cố gắng bằng nhiều lý do “thuyết phục” này nọ để cải tạo hoặc xây dựng mới công trình thực ra nhằm trừ khử điều xui sự rủi có thể đến với mình. Vì vậy, không ít công trình mang nhiều “dấu ấn” khác nhau qua các “đời chủ”.
Sẽ rất bình thường khi một ông chủ đầu tư bỏ tiền ra thuê người thiết kế và cùng tham gia cuộc chơi. Chỉ tiếc rằng khi tham gia “cuộc chơi” đầy tính nhà nghề với người thiết kế, ngoài những yêu cầu được xem như nhiệm vụ thiết kế thì đa phần họ lại không hề có hoặc có rất ít kiến thức về kiến trúc (nói chung) cũng như khái niệm về công việc của người thiết kế. Do vậy, kiến thức họ mang vào cuộc chơi thường do “học” được từ công trình sẵn có. Đặc biệt là với nhiều vị để chứng tỏ mình cũng là người từng kinh qua nhiều lĩnh vực, đã đi đó đi đây, buộc người thiết kế mang vào công trình những gì họ cóp nhặt được từ những chuyến đi.
Nhiều công trình mới ra đời, vì vậy, cứ “giống đến ngạc nhiên” công trình đã bắt gặp đó đây trên đường thiên lý…
Nhận xét