Nghi án buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi



“Đâu phải cứ nói cầm hộ là xong!”

( nguồn SGTT online )Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng bộ Tư pháp đã nhấn mạnh như thế trong cuộc trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị xung quanh những khía cạnh pháp lý của vụ việc bà Vũ Mộc Anh, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi bị cáo giác liên quan đến vụ mua bán sừng tê giác ở Nam Phi

Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc Ảnh: Ngọc Sơn

Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc bộ Ngoại giao giữ lại hồ sơ của bà Mộc Anh để xử lý thay vì chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ mức độ tội phạm là không đúng thẩm quyền. Ông nghĩ sao?

Bà Mộc Anh là người của bộ Ngoại giao nên khi có nghi ngờ bà ấy mua bán sừng tê giác ở Nam Phi thì trước hết bộ này, với tư cách cơ quan quản lý, phải triệu tập nhân viên của mình về để hỏi cho ra lẽ. Nếu trong quá trình xử lý, nhận thấy mức độ vi phạm của bà ấy vượt ra ngoài những hình thức kỷ luật thông thường, có tính chất hình sự, thì họ sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.

Tôi đồng tình với ý kiến của ông đại sứ Việt Nam tại Nam Phi rằng vụ việc này không phải chỉ là vấn đề cá nhân bà Mộc Anh mà còn là danh dự đất nước, uy tín ngành ngoại giao Việt Nam. Do đó phải hết sức cân nhắc, làm kỹ, chứ không thể vội vã.

Những diễn biến mà đoạn phim đã quay được cho thấy, bà Mộc Anh có trực tiếp nhận sừng tê giác và có đưa lại một cái túi mà những người quay phim cho rằng đựng tiền bên trong. Tuy nhiên, giải trình với đại sứ quán, bà Mộc Anh chỉ khẳng định bà cầm hộ sừng tê giác cho người khác chứ không tham gia mua bán. Cá nhân ông có thấy thuyết phục khi nghe một giải thích như vậy?

Cầm hộ là cầm hộ thế nào phải làm rõ ra chứ. Người được cầm hộ là ai? Điều kiện nào để bà ấy đi cầm hộ một món hàng nhạy cảm như thế? Mối quan hệ giữa hai người đó ra sao? Phải đi vào những tình tiết pháp lý cụ thể chứ đâu phải cứ nói cầm hộ là xong. Cũng nên nhớ, sừng tê giác là vật cấm, cầm hộ mà không rõ là vật gì và đinh ninh là vật hợp pháp thì khác, còn đây là bất hợp pháp thì bản thân việc cầm đó là có vấn đề. Vả lại, mua bán là phải có thoả thuận, có “tiền trao, cháo múc”. Nhưng việc trao có nhiều cách, việc nhận tiền cũng có nhiều hình thức, chứ đâu phải trực tiếp thì mới là nhận và trao được.

Với một nhân viên sứ quán có vai trò quan trọng là bí thư thứ nhất và Đại sứ quán cũng đã nhiều lần nhắc nhở các nhân viên thì càng khó thuyết phục để giải thích bà ấy nhẹ dạ vô tình vi phạm.

Đặt trường hợp xấu nhất, kết luận cuối cùng bà Mộc Anh có liên quan đến vụ mua bán đó thì với vị trí là bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, bà ấy có được miễn trừ tư pháp?

Nếu đã là hình sự thì miễn trừ thế nào được trước pháp luật Nam Phi và pháp luật Việt Nam. Vi phạm tới đâu thì xử lý tới đó thôi. Về mặt chứng cứ, băng ghi hình là một chứng cứ. Còn có liên quan đến người nào, như thế nào lại là chuyện khác, phải điều tra mới biết. Không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt máy ở đó để quay.

Hình ảnh nhận dạng đối chiếu của chương trình truyền hình 50/50 cáo buộc bà Vũ Mộc Anh tham gia mua bán sừng tê giác. Trong đó, bên trái là lúc bà Mộc Anh giao dịch sừng tê giác và bên phải là lúc phóng viên quay hình cho bà xem chứng cứ trong văn phòng của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi (ảnh chụp lại từ đoạn phim)

Có nghĩa là khi đó bà Mộc Anh phải ra toà ở Nam Phi?

Vấn đề này còn tuỳ thuộc phía Việt Nam và Nam Phi đã có ký kết, hiệp định tương trợ tư pháp chưa. Nếu có thoả thuận thì có thể họ đưa về cho bên mình xử lý. Tuy nhiên khả năng này, trong vụ việc cụ thể này, tôi nghĩ ít xảy ra. Mua bán sừng tê giác là vấn đề nghiêm trọng mà thế giới người ta rất quan tâm nên Nam Phi họ cũng phải rất cân nhắc thôi.

Theo nhóm phóng viên đã thực hiện đoạn phim đó, việc mua bán sừng tê giác xảy ra ngay trước cổng Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi. Vậy liệu việc áp dụng pháp luật có gì đặc biệt không, thưa ông?

Theo quy định, đại sứ quán của một nước tuy là đặt trụ sở tại nước sở tại nhưng được xem là lãnh thổ của quốc gia đặt sứ quán. Do đó nếu kết luận cuối cùng cho thấy việc mua bán xảy ra trong đại sứ quán Việt Nam thì khi đó sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam để xử lý.

Vĩnh Huy

Cảnh sát Nam Phi vào cuộc

Theo BBC, ngày 21.11, cảnh sát Nam Phi đã có buổi làm việc với báo Mail & Guardian về những nội dung của vụ việc mua bán sừng tê giác tại nước này, được cho là có liên quan đến bà Vũ Mộc Anh. Đây cũng là tờ báo đầu tiên đưa tin từ chứng cứ là băng ghi hình của chương trình truyền hình 50/50 của Nam Phi thực hiện cách đó hai tháng và đã phát vào ngày 17.11.

Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 19.11 bộ Ngoại giao đã triệu tập bà Vũ Mộc Anh về nước để tường trình và làm rõ sự việc. Trả lời báo chí, đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Trần Duy Thi cho biết, mức án mà pháp luật Nam Phi quy định cho hành vi giao dịch, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã là từ 10 – 20 năm tù.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến