NGUYỄN DZOÃN CẨM VÂN


Người đàn bà bếp núc

Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân: "Không thích nếm bằng lưỡi, bù lại tôi có khả năng nấu ăn bằng mắt, bằng tai, mũi. Tôi có khứu giác thính nhạy đến mức bạn bè gọi là khứu giác của quỷ”.

Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân là cái tên quen thuộc đối với những người thích (và cả không thích) công việc nấu nướng từ nhiều năm qua. tréo ngoe, người nấu ăn nổi tiếng ấy lại là người không thích ăn. lạ lùng, người phụ nữ bếp núc ấy khi thấy buồn thì huýt sáo, học lái xe tuổi tóc đã nhuộm sương. Và truân chuyên, sau gương mặt phúc hậu ấy là một cuộc đời cay cực, đổ vỡ...

Kỷ niệm buồn về cái nghèo

Nấu ăn ngon là do thừa hưởng từ mẹ, chắc hẳn đó phải là một người mẹ đặc biệt?

Mẹ tôi là người đàn bà rất hiền và rất lành, cả đời chỉ biết thương yêu và nhẫn nhịn. Tôi có hai kỷ niệm nhớ mãi về mẹ.

Một là lúc tôi còn bé, nhà tôi lúc đó đang rất nghèo. Tôi là con gái út của gia đình có một con trai và sáu con gái. Tôi được cưng chiều nên có lần đã cư xử vô tâm làm cho mẹ buồn mà tôi nhớ mãi. Lúc khoảng bảy tuổi, một hôm thấy bọn trẻ hàng xóm ăn bánh bao trông ngon miệng quá, tôi chạy về nhà nằng nặc đòi mẹ làm bánh bao. Đến chập tối, tôi mải chơi quên mất. Về nhà đi ngang nhà bếp thấy mẹ đang ngồi khóc trong im lặng, tôi sợ quá chạy đi hỏi chị gái. Chị bảo: “Em vô ý quá! Sáng nay em đòi ăn bánh bao trong lúc mẹ không còn xu nào trong túi. Mẹ thương em quá mà mẹ khóc đấy!”. Tôi vội chạy đi xin lỗi mẹ nhưng mẹ vẫn buồn hoài. Càng lớn tôi càng thương mẹ và tự dưng… không thích ăn bánh bao nữa.

Còn kỷ niệm lần thứ hai, cũng là kỷ niệm buồn về cái nghèo. Khi tôi lấy chồng, lại sa vào cái nghèo. Tôi muốn chăm lo cho mẹ già nhưng nghèo quá thành ra dự định gì cũng khó thực hiện. Tôi làm giáo viên dạy môn văn cho trường Nguyễn Thượng Hiền, Tân Bình. Hồi ấy lương giáo viên rất thấp. Nhà tôi năm miệng ăn, riêng tiền chạy ăn hàng bữa và thuốc men cho con nhỏ đau ốm liên miên đã khiến tôi sống ngập ngụa trong nợ nần. Nhưng tôi vẫn quyết tâm dành dụm để tặng mẹ một số tiền làm quà cho mẹ vui. Tôi định bụng sẽ tặng mẹ 500 đồng, là khoảng sáu tháng lương giáo viên thời ấy. Tôi làm lụng thêm nhiều nghề phụ xoay xở đủ cách. Đến ngày gom được 495 đồng thì… mẹ mất. Mẹ tôi mất do đau ốm và do lo nghĩ về cái nghèo quanh năm suốt tháng…


Thích ngắm người ta ăn ngon

Bà nói bà đã từng làm nhiều nghề phụ, đó là những nghề gì?

Tôi đi dạy học về là lao vào bếp núc, dạy nấu ăn, đan len, móc áo, thêu rua, may gia công… Tôi xoay xở đủ các nghề miễn là có thể kiếm được tiền nuôi gia đình. Đến giờ đếm lại, tôi đã từng làm 17 nghề khác nhau, toàn nghề tay chân!

Bà nấu ăn giỏi là vì thích ăn ngon?

Không. Ngược lại. Tôi là người không thích ăn. Phải nói là tôi rất ghét ăn uống. Đối với tôi, miếng ăn giấc ngủ không phải là cái gì hấp dẫn đến mức mình phải bận tâm. Thức ăn hàng ngày của tôi rất đơn giản. Gọi chính xác là đạm bạc. Chỉ có cơm, đậu bắp luộc chấm nước tương, canh rau nấu chay. Tôi không thích ăn thịt cá gì cả và cả đời tôi hầu như không bao giờ ngủ trưa. Cứ hôm nào ngủ thì biết là do hôm ấy ốm nặng.

Năng khiếu nấu ăn của cả sáu chị em gái nhà tôi đều thừa hưởng từ mẹ. Mẹ tôi nấu ăn ngon tuyệt vời. Có nhiều món tôi chưa được ăn hoặc không thích ăn, nhưng nghe mẹ nói qua là tôi tưởng tượng ra và làm được. Không thích nếm bằng lưỡi, tôi lại may mắn bù lại là có khả năng nấu ăn bằng mắt, bằng tai, bằng mũi. Tôi có khứu giác đặc biệt thính nhạy đến mức được bạn bè gọi là “khứu giác của quỷ”.

Ví dụ có lần một nhân viên nhà hàng của tôi bưng một tô canh chua đi ngang qua lúc tôi đang tiếp khách. Tôi bảo em mang ngay vào bếp nấu lại cho đúng, vì tô canh dư ngọt, thiếu chua. Lần khác, tôi gọi bếp nấu lại món thịt kho tàu, vì tôi ngửi được mùi mặn khi từ cửa bước vào. Nhân viên bếp cãi, bảo rằng tôi chưa nếm sao biết mặn? Tôi cam đoan rằng mình “nếm” rồi, nếu sai tôi đồng ý đền bù hai tháng lương. Cuối cùng đúng là mặn thật, mặn đắng luôn.

Nhờ có khứu giác tốt, tôi không biết uống rượu nhưng vẫn làm được rượu ngon. Món gà Marengo, các món bò nấu từ rượu của tôi đều được đánh giá là xuất sắc đấy.

Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân

- Tốt nghiệp đại học Sư phạm khoa Việt Hán, đại học Văn khoa khoa Hán Nôm trước 1975

- Giáo viên chuyên văn 17 năm trường Nguyễn Thượng Hiền, Tân Bình

- Hai năm sống ở Bắc Kinh, chuyên trách bếp Việt cho nhà hàng năm sao Kôn Luân

- Đã viết 38 đầu sách về dạy nấu ăn, xuất hiện trên đài truyền hình HTV trong gần 2.000 buổi dạy nấu ăn

Không thích ăn uống mà lại nấu ăn ngon, quả là điều lạ. Và bà là người của gia đình, một gương mặt nổi tiếng trong công chúng, vậy bà tiếp đãi khách, người thân thế nào khi bà không thích ăn?

Tôi là người thích hầu hạ chồng con. Đặc biệt, ông chồng tôi khó tính ngoài sức tưởng tượng của một người đàn bà bình thường. Ví dụ như ông không bao giờ động đũa vào món cá nào mà con cá bé bằng ngón tay. Đi chợ, tôi toàn mua cá to nhất, tươi ngon nhất. Cá nấu xong xẻ lưng, tách hết không còn mẩu xương to xương bé nào rồi mới úp lại sao cho nguyên vẹn thì ông mới ăn. Không đúng như thế thì ông đi mua cơm hộp về ăn. Mình làm vợ cũng biết ngượng nên luôn phải “tuân thủ” sở thích kỳ lạ này của chồng.

Còn khách khứa thì tôi đã quen chuyện nấu tiệc đãi đằng suốt mấy chục năm nay với hàng nghìn bữa tiệc rồi. Chẳng ai biết được tôi là người không thích ăn nhưng tôi là người mê gia đình, yêu bạn bè. Tôi thích nấu ăn cho mọi người, thích nhìn ngắm người ta ăn ngon và hạnh phúc.


Khi thấy buồn tôi huýt sáo chơi

Yêu cuộc sống gia đình thế nhưng bây giờ bà lại đang sống một mình?

Ừ, không còn cách nào khác, tôi chọn sống một mình cho đến cuối đời.

Tôi phải dùng đến biện pháp “thoát ly” là điều hết sức đau khổ. Đời người đàn bà, sống chết gì cũng chỉ muốn giữ gìn một mái ấm. Thế nhưng một khi mình đã làm hết cách, đã dốc hết sức, suốt gần 30 năm, mà cái mình nhận lại là sự lạnh lẽo, thậm chí nhẫn tâm, thì cũng đến lúc mình tỉnh ngộ thôi. Trước khi quyết định ra đi, tôi từng có lúc sống trong nước mắt ròng rã. Có lần tôi định tự tử cho chấm dứt cuộc đời cay cực này. Tôi đã từng nốc thuốc ngủ đến nỗi phải nhập viện. Khi sống lại tôi mới nhận ra một điều: Cuộc sống này đây, thân thể này đây, cha mẹ mình đã tạo ra cho mình, thật quý giá biết chừng nào. Chồng con mình đây, may mắn sao, được thừa hưởng điều quý giá đó. Nhưng tiếc là họ không nhận ra, họ luôn thách thức đến lạnh lùng tất cả những nỗ lực của mình.

Tôi đã phải dọn nhà ra đi cả thảy sáu lần trong vòng ba năm qua. Tôi đã từng dằn vặt mình về hai chữ đạo đức, nó ngăn mình thoát ly. Đàn bà mà từ bỏ gia đình để chọn cuộc sống cô độc thì ai mà chấp nhận? Nhà tư vấn hôn nhân gia đình Thu Hiên, sau này trở thành bạn thân của tôi, là người đã từng lắng nghe thấu hiểu mọi cay đắng chuyện nhà của tôi. Chị ấy bảo thế này: “Vân đang đứng trong bốn bức tường có tên “đạo đức”. Ngoài bức tường ấy, người ta sẽ theo dõi Vân. Vân làm gì sống ra sao đau khổ thế nào người ta không cần biết. Vì đó là cuộc đời của Vân chứ không phải của ai cả. Và vì là cuộc đời của mình, thì chính mình sẽ có câu trả lời chính xác nhất”.

Tôi hiểu ra vấn đề từ sau lời khuyên ấy. Và tôi đã lựa chọn cuộc sống như ngày nay.

Vậy thì sẽ rất thấy cô đơn...

Có chứ. Nhiều lúc cô đơn khủng khiếp. Cái cảm giác một mình giữa vắng lạnh mênh mông, cái cảm giác nhìn vào màn đêm thăm thẳm, nhìn bóng đêm nuốt chửng mình khi ngồi trên những chuyến xe, chuyến bay một mình đường dài. Ai có trải qua sẽ hiểu. Nhưng rồi tôi nhận ra, cái mình tưởng là cô đơn ấy, thật ra chính xác là cô độc. Tôi yêu cái cảm giác cô độc này. Sống cô độc mình nói chuyện với chính mình. Mình nhận ra mình cũng… thú vị lắm chứ! Mình nhận ra sao mình yêu đời, yêu người quá đỗi. Tại sao mà lại có một thời mình đày đoạ, rẻ rúng, hành hạ mình đến thế. Cho nên, so với cảm giác cô đơn, cô đơn ngay cả khi sống với nhiều người bên cạnh ngày trước, thì tôi chọn cái cô đơn của ngày hôm nay.

Lúc buồn nhất bà làm gì?

Tôi… huýt sáo. Này, đừng ngạc nhiên nhé! Tôi huýt sáo hay lắm đấy. Có lần một cô bạn đến thăm ở lại gia trang của tôi. Bạn ấy đang tắm rửa trong nhà thì giật bắn người gọi tôi vào, bảo là nhà này không có đàn ông sao lại có tiếng huýt sáo? Hoá ra là… Dzoãn Cẩm Vân đấy! (cười)

Hình như bà còn chơi cả đàn?

Tôi chơi đàn tranh từ hồi còn bé. Sau này lấy chồng, vì nghèo quá mà bán cả đàn để có tiền đi chợ. Bây giờ, nếu có điều kiện, tôi sẽ học thêm đàn guitar. Tự đệm tự hát một mình, thú vị lắm chứ?

Biết lái ô tô cũng là một điều lạ với một... bà lão...

Ừ. Một bà lão tóc trắng như cước mà năm ngoái tuyên bố đi học lái xe ai cũng cười bò ra. Tôi làm thật không đùa. Tôi thi lái xe thực hành đạt 95 điểm, chỉ thua 5 điểm là đoạn tăng tốc, vì… sợ. (cười)

Điều gì bà tâm đắc để sống vui thế này?

Tôi nghĩ đơn giản. Cuộc sống lúc nào cũng có phần sáng phần tối. Cái phần tối ấy, là cái thất bại, cái cô đơn, cái cay cực… tôi đã trải qua được là nhờ mình biết nhìn vào cái phần sáng mà sống. Mình cố gắng dùng cái phần sáng phần đẹp thì sẽ lấn át được phần tối tăm kia, làm cho nó bớt tối, bớt đau, bớt buồn…

Giờ qua khỏi cái nghèo túng nợ nần, tôi biết ơn cái thời nghèo khó đã dạy tôi trưởng thành. Tôi biết ơn chị em bạn hàng ở chợ Ông Tạ lắm. Họ đã từng giúp tôi rất nhiều. Họ cho tôi đi chợ thiếu tiền và động viên chia sẻ với tôi rất nhiều, đến giờ nhắc lại vẫn còn đong đầy những xúc cảm về tình người.

Ai đó muốn xin bà một lời khuyên về lẽ sống, bà sẽ nói gì họ?

Thích gì nghĩ gì hãy làm ngay đi. Thời gian không chờ mình đâu. Đừng để hối hận không kịp như thuở mẹ tôi mất lúc tôi chưa kịp để dành đủ 500 đồng. Thương ai, yêu ai thì hãy yêu thương hết lòng, giúp hết sức. Làm gì cũng cố làm hết khả năng. Hôm nay tôi rất vui vì tôi đã sống đến tận cùng chữ “hết”, chữ “tận”.

bài và ảnh Loan BB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến