Phóng sự _ Những người kiếm TẾT


Những người kiếm tết

Trời Sài Gòn se lạnh, hương vị tết đã đến rất gần, ngược dòng người mua sắm tết, chúng tôi chợt nhận ra những chân dung lam lũ nhọc nhằn tìm kiếm cho mình, cho người thân một chút cơm áo ngày tết…

Kỳ 1: Hiu hắt xóm ve chai

Họ là mấy trăm con người từ nhiều làng quê khác nhau của tỉnh Vĩnh Phúc trôi giạt vào TP.HCM, chấp nhận làm cái nghề nhặt và mua bán những thứ người ta đã bỏ đi, ky cóp từng đồng bạc lẻ gửi về quê với mơ ước cuộc sống sẽ bớt nhọc nhằn hơn và mong chờ gần tết ky cóp từng đồng mang về quê…

Bến sông không còn đông đúc như ngày xưa

Tôi trở lại xóm ve chai đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp vào buổi chiều muộn. Vẫn bến sông đó với con nước lên đen ngòm, vẫn những khu nhà ổ chuột lụp xụp. Lần trước đến đây, tôi đã thấy một bến sông đông đúc tấp nập với cả trăm con người đứng chen nhau giặt bao nylon, đồ phế thải. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng hỏi han xôn xao cả khúc sông. Họ kể cho tôi nghe về những vất vả, nhọc nhằn của nghề.

Bến sông buồn

Nhưng nay, bến sông đã không còn cái vẻ nhộn nhịp đông đúc. Nhiều người tôi gặp đã không ở đây nữa. Chị Đỗ Thị Hợi, vừa cúi mặt giặt bao, vừa tâm sự: “Khoảng 60% người xóm ve chai này đã bỏ về quê rồi. Những người ở lại thì cũng đang gắng gượng mong chờ kiếm chút gì có thể mang tết về quê. Mọi năm, có khi 27, 28 tết mới về. Năm nay chắc mùng 10 tháng chạp đã có nhiều người về rồi. Tôi cũng muốn về quê sớm nhưng nếu về quê bây giờ cũng chẳng có việc gì làm. Vừa rồi ở quê ngập lụt, có chút hoa màu mất sạch. Tôi cố gắng bám trụ kiếm được đồng nào hay đồng nấy để có tấm áo mới cho con chứ xa chúng cả năm, về chẳng có quà gì cho chúng cũng tủi…”.

Và để mang được tấm áo mới về cho con mặc tết, chị Hợi đã phải tằn tiện tối đa. Buổi sáng, chị dậy thật sớm, nấu cơm rồi nắm mang đi kèm theo chút muối vừng để trưa khỏi phải ghé quán ăn, đỡ tốn tiền. Khát, tranh thủ lúc ghé nhà người ta mua báo cũ, chị xin nước uống. Chị cười: “Mỗi ngày tằn tiện như vậy cũng để ra được vài ngàn thêm vào số tiền về quê”.

Mỗi buổi tối, khi cơm nước xong xuôi, chị lại mang số tiền kiếm được trong ngày ra đếm, tâm trạng buồn vui tuỳ thuộc vào số tiền hôm nay kiếm được nhiều hay ít. Chị tỉ mẩn vuốt từng đồng bạc lẻ nhàu nát rồi cẩn trọng để vào trong một chiếc hộp nhỏ rồi cất sâu vào đáy chiếc hòm gỗ, rồi ngồi bấm đốt ngón tay, lẩm nhẩm tính ngày về với gia đình…

Nước mắt đêm giao thừa

Gặp lại chị Nguyễn Thị Phúc (Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc), tôi thấy mắt chị đượm buồn. Vào Sài Gòn đã mười năm, nhưng chị mới về quê ăn tết được một lần, cách đây cũng đã sáu năm rồi. Nhà đông con, cha lại mất sớm, là con gái lớn nên chị phải cùng mẹ gánh vác gia đình. Từ thời con gái đôi mươi, chị rời quê theo mấy người làng vào TP.HCM lượm ve chai để có tiền gởi về cho mẹ nuôi bầy em nheo nhóc. Bao nhiêu năm trời, chị mê mải trên chiếc xe đạp đi khắp hang cùng ngõ hẻm, gặp bất kỳ đống rác nào cũng ghé lại, đi từ trưa cho đến rạng sáng mới về đến nhà trọ, ky cóp từng đồng bạc lẻ để gửi về quê.

Chấp nhận vất vả, người phụ nữ này chỉ mong đem thêm được tấm áo về cho con mặc tết

Đến nay, đã hơn 30 tuổi nhưng chị vẫn chưa lấy chồng vì còn nặng gánh gia đình. Mẹ già rồi, còn hai đứa em vẫn đang học phổ thông nên chị muốn cùng mẹ lo cho chúng học xong. Về quê tốn kém, nên tết chị thường ở lại, để dành tiền gửi về cho mẹ. Chị kể: “Tết năm ngoái, khi gọi điện về nhà, mẹ cứ khóc mãi làm chị cũng khóc theo. Cuối cùng chỉ nghe mẹ dặn năm sau cố gắng về chứ thiếu con, tết năm nào nhà mình cũng trống vắng. Và tôi hứa với mẹ năm nay sẽ về ăn tết với gia đình, nhưng…”.

Chị Phúc lại ngậm ngùi: “Mấy tháng nay, đi nhiều mà chẳng kiếm được bao nhiêu, tết gần kề mà chẳng dành dụm được bao nhiêu. Thôi đành chấp nhận ở lại, để mấy trăm ngàn tiền xe gửi về cho mẹ. Tết ở quê mà, nghèo mấy cũng phải có nồi thịt đông, chục cặp bánh chưng. Ở lại buồn lắm, nhưng mẹ và các em sẽ có được cái tết tươm tất hơn”.

Cũng như chị Phúc, chị Nguyễn Thị Yên cũng chấp nhận hy sinh, dằn nỗi nhớ chồng và hai đứa con để ở lại nơi đất khách xa xăm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị chấp nhận cảnh ly tán, một mình vào Sài Gòn kiếm sống, bỏ lại chồng và hai con ở quê. Hàng tháng, chị dành dụm tiền gửi về để chồng lo cho hai đứa con ăn học. Tết này, mặc dù rất nhớ chồng con nhưng chị vẫn quyết định ở lại. Chị bảo: “Tết này mấy đứa nhỏ sẽ rất buồn vì vắng mẹ nhưng mình nghèo, đành chịu vậy”.

Hai chữ “ở lại” với những người như chị Phúc, chị Yên nghe sao cô độc quá, cho dù xóm vẫn còn nhiều người như các chị. Chị Phúc nói: “Những ngày tết, xóm ve chai vắng lắm. Ngày tết ở lại, thiếu thốn về vật chất thì chúng tôi quen rồi, nhưng cái thiếu thốn về tinh thần thì kinh khủng lắm. Năm nào cũng vậy, những chị em không về tập trung lại để đón giao thừa, dự định chúc tết nhau, nhưng chẳng ai chúc nhau được câu nào, vì ai cũng khóc. Không gì buồn hơn kiếp nghèo tha hương trong đêm giao thừa…”.

bài và ảnh Trung Hoàng


Những người kiếm tết

Kỳ 2: “Chạy đua” với giao thừa

Sum họp với gia đình trong đêm giao thừa là một nghi thức rất thiêng liêng. Chính vì thế, phải ở lại thành phố là nỗi buồn lớn của những người tha hương. Nhưng vẫn còn đó những người quyết tâm bằng mọi giá có mặt ở nhà khi chuông đồng hồ báo hiệu năm mới. Một cuộc chạy đua với thời gian trong đêm giao thừa

Tận dụng từng cái chai để mong có một cái tết trọn vẹn ở quê

Cuối năm, bước chân của bà Trần Thị Tư (quê ở Quảng Ngãi) dường như gấp gáp hơn, con đường bà đi như dài hơn, những ngõ hẻm chị len lỏi hình như cũng sâu hơn. Càng gần tết,

Sài Gòn càng nhộn nhịp. Những toà nhà trang trí lộng lẫy, đi qua cửa hàng đã thấy rộn ràng những bài hát mừng năm mới khiến lòng người càng trở nên háo hức. Nhưng với bà Tư, cuộn lên sự âu lo trong lòng khi tết gần kề mà số tiền để dành về quê vẫn còn quá ít ỏi.

Cuộc đua không cân sức

Nếu như trước đây, bảy giờ sáng bà ra khỏi nhà bắt đầu một ngày làm việc, sáu giờ tối quay về nhà trọ, thì trong những ngày này bà như đang chạy đua với thời gian, rời nhà từ lúc sáu giờ và về nhà vào lúc tám giờ đêm. Tất cả đều vì một khát khao có thêm tiền mang về quê vào dịp tết sắp tới. Bà cố gắng đi xa hơn, đến những công trình mới xây dựng xong, năn nỉ người ta bán cho đống sắt vụn dư thừa. Quần quật như thế, nhưng bữa cơm trưa bà chỉ dám gọi một dĩa cơm trắng với chút nước chấm. Chủ quán lấy cơm và tiện tay, vét nốt chút thức ăn thừa còn sót lại vào dĩa cho bà. Thì ra, bà cố tình đến quán thật muộn, khi những người khách cuối cùng đã về, thường bà chủ thương tình, cho thêm chút thức ăn còn lại. Đó là cách chị tiết kiệm để thêm được những đồng bạc lẻ cho những dự định cuối năm.

Bà sợ nhất nghe ai nói “sắp tới tết rồi!”. Năm ngoái, bà tranh thủ làm đến tận tối 28 tết rồi mới đón xe về. Xe đông, năn nỉ mãi người ta mới cho bà lên và phải đứng suốt chặng đường dài. Về đến nhà, chân bà gần như tê cứng nhưng vui vì mình đã có mặt ở nhà kịp đón giao thừa với chồng, con…

Và năm nay, để kịp về, bà lại dốc sức chạy đua, nhiều khi hụt hơi, quá sức muốn ngã quỵ nhưng cứ nghĩ đến phút giây được sum họp gia đình, như được tiếp thêm nghị lực để tiếp tục làm việc.

Giấc mơ nghèo

Bảy năm trước, chồng bà phát hiện bị bệnh tim, phải phẫu thuật mới khỏi được, bốn đứa con đang tuổi ăn học nên gia đình rơi vào cảnh túng bấn. Nếu cứ bám lấy mảnh đất quê cằn cỗi thì lấy đâu ra tiền chữa bệnh cho chồng, lấy đâu ra tiền cho con ăn học? Bài toán gia đình cần phải có lời giải. Và bà đã bàn với chồng gửi cả bốn đứa con cho ông bà trông nom rồi cùng chồng vào TP.HCM, vừa để kiếm sống, vừa để tiện việc chữa bệnh.

Đặt chân đến thành phố, bà bắt đầu cuộc sống bằng việc bán trái cây dạo. Công việc này vô cùng bấp bênh, thường xuyên bị lỗ do trái cây giập, rồi ế ẩm mà không có chỗ bảo quản nên hư hỏng. Nhiều hôm, hai vợ chồng phải ăn trái cây sắp hư trừ bữa. Có người mách đi ve chai vừa không cần nhiều vốn, lại chẳng sợ hao hụt nên bà quyết định chuyển nghề. Và suốt mấy năm nay, bà cùng cái xe ba bánh gắn bó với nhau như hình với bóng.

Với số tiền kiếm được hằng tháng, bà Tư phải tính toán thật chi ly, một phần gửi về quê cho bốn đứa con ăn học và cho mẹ chồng có tiền mua thuốc chữa bệnh, một phần mua thuốc uống hàng ngày cho chồng, một phần để dành lo phẫu thuật cho chồng.

Chồng bị bệnh tim nặng, muốn khỏi phải phẫu thuật nhưng vì số tiền quá lớn, không lo được nên ông chỉ có thể đi bệnh viện theo dõi và uống thuốc để ghìm bệnh trở nặng. Nhiều khi tiếc tiền, thấy sức khoẻ tạm ổn, ông không uống thuốc nữa nhưng sau đó bệnh trở nặng, phải đi cấp cứu nên số tiền dành dụm cho phẫu thuật đi tong. Thương vợ vất vả nên cuối mỗi buổi chiều, ông đứng chờ xe ve chai của bà về rồi giúp phân loại những thứ mua được mang đến vựa bán. Bảy, tám giờ tối hai vợ chồng mới về đến cái phòng trọ chật chội, chỉ 14m2 thôi nhưng có tới hơn chục người ở. Vợ chồng bà được sở hữu một góc bằng chiếc chiếu cá nhân chỉ vừa đủ cho hai người nằm.

Cách đây hai tháng, khi con gái lớn tốt nghiệp phổ thông, vào TP.HCM học ôn để năm tới thi đại học thì chông bà trở về quê dưỡng bệnh và trông nom ba đứa con nhỏ. Ở lại thành phố, bà Tư tiếp tục cùng con gái bươn chải để đảm bảo vẫn có tiền gửi về quê mua thuốc, đóng tiền học cho con. Bà tâm sự trong cay đắng: Lâu lắm rồi tôi chưa có một ngày thanh thản không phải lo nghĩ. Có khi thấy tự dưng mình có một bọc tiền, tỉnh dậy biết là mơ nhưng vẫn tiếc ngẩn ngơ.

Tết năm nay, khi làm ăn khó khăn hơn thì bài toán cơm áo mà bà Tư phải giải càng phức tạp hơn. Nhưng dù khó khăn thế nào thì trong bà vẫn một niềm tin và ý chí sắt đá sẽ có mặt ở quê nhà trong đêm giao thừa, cùng chồng con lo mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên…

bài và ảnh Trung Hoàng


Những người kiếm tết

Kỳ 3: Phận nghèo không tết

Trong khi nhiều người đang cố gắng chạy đua để kiếm tết, thì vẫn có những người dửng dưng. Bởi với họ, dù cố gắng mấy cũng chỉ đủ ăn ba bữa. Và tết lại trở thành gánh nặng vì đấy là lúc nhìn rõ nhất, thấm thía nhất nỗi tủi cực của những phận nghèo không tết…

Ngủ ngoài vỉa hè, những người này không mong gì có tết

Theo chân một ông già gầy gò đang mải miết đạp xe chở theo vài chiếc bao lỉnh kỉnh, tôi đi vào một con hẻm ở Q.6. Cách con đường Lý Chiêu Hoàng không xa, nhưng chỉ đi hết đoạn đường lát bê tông, đặt chân vào con đường đất gồ ghề đã thấy hiện ra một xóm nghèo với những mái nhà tranh lúp xúp, một chiếc “cầu tõm” được quây lại bằng những tấm bao bố, nằm chênh vênh bên một cái ao đen ngòm. Đó là “chân dung” xóm nghèo Phú Định.

Đành thất lễ với tổ tiên

Vừa dừng xe trước một căn nhà mái tranh, vách được che chắn bởi bao tải và nylon, tôi đã thấy hai đứa bé ùa ra reo vui khi thấy ông về. Dựng chiếc xe vào vách, ông lão bế đứa cháu nhỏ lên và bước vào nhà, đến bàn thờ, thắp một nén nhang. Nhìn khuôn mặt người phụ nữ trong ảnh đang lờ mờ sau làn khói nhang vấn vít, đôi mắt ông lão đục mờ ngân ngấn nước. Liếc nhìn ngày tháng ghi trong khung hình, tôi biết người phụ nữ này mới qua đời chưa tròn hai tháng. Chỉ tấm hình của vợ, ông Bùi Quang Liêm ngậm ngùi: “Tết này vắng mặt bà ấy. Nhưng có lẽ thế lại may vì năm nào bà ấy cũng than vắn thở dài khi trong nhà chẳng có gì để cúng ông bà…”.

20 năm trước, cả gia đình rời An Giang lên thành phố kiếm sống. Vợ bị tật ở chân, các con còn nhỏ nên mình ông phải lăn lộn với đủ thứ nghề hạ bạc để lo cho gia đình. Cả gia đình sống trong một căn phòng hơn 20m2. Gọi phòng cho oai, chứ thực chất chỉ là một gian nhà tranh đã quá cũ kỹ và xơ xác.

Hai mươi năm qua, chưa năm nào gia đình ông thực sự có tết. Cố gắng mấy cũng chỉ mua được miếng thịt cúng ông bà đêm giao thừa, còn sau đó có gì ăn nấy chứ không sắm sửa gì. Ông còn nhớ, có năm gần đến giao thừa mà trong nhà chẳng còn một hạt gạo, tiền cũng chẳng còn để mua đồ cúng ông bà. Và chiều cuối năm, ông vẫn lang thang ngoài đường, cất tiếng rao buồn não ruột. Có người phụ nữ tốt bụng đã gọi ông vào nhà, cho một đống đồ cũ thải ra. Và sau khi hỏi han, bà đã cho ông một hộp bánh và một cái bánh chưng đem về. Ông cảm động đến rơi nước mắt. Nhờ thế, đêm giao thừa năm ấy ông đã có đồ cúng ông bà, tổ tiên…

Ông khoe với tôi, vừa xin được mấy bộ đồ cũ cho hai đứa cháu ngoại mặc tết. Dù cố gắng vậy, nhưng số tiền cả ông và con rể kiếm được chẳng đáng là bao. Tiền nhà tháng này còn nợ chưa biết trông ngóng vào đâu nên hỏi chuyện ăn tết ông chỉ lắc đầu cười buồn.

Vỉa hè chờ tết

Vừa trông cháu, ông Bùi Quang Liêm vừa phải ngồi gỡ từng cuộn dây đồng để kiếm bạc lẻ

Con đường Nguyễn Thị Diệu (Q.3) vốn được biết đến như một khu phố ăn uống với rất nhiều nhà hàng quán cà phê sang trọng. Nhưng có lẽ ít ai biết ở đó còn tồn tại bảy hộ dân không nhà cửa, phải sống trên vỉa hè. Đêm đêm, khi những hàng quán này chuẩn bị đóng cửa thì cũng là lúc những người dân sống trên đoạn đường này đi ngủ. Ngả lưng xuống cái ghế bố hoặc tấm bạt, những cư dân ở đây nhanh chóng chìm vào giấc ngủ vì một ngày làm việc quá mệt mỏi.

Đây là những hộ dân có hộ khẩu ở quận 3 nhưng lại không có nhà để ở. Sở dĩ như vậy vì họ là những người đã từng đi kinh tế mới lên Tây Nguyên nhưng do cuộc sống quá khó khăn, họ lại quay về thành phố. Họ cho biết đã từng được cấp nhà nhưng sau đó bị lấy lại, tiền bồi hoàn chẳng là bao nhiêu. Không có nhà, một số hộ dân đành chấp nhận sống luôn trên vỉa hè. Những cư dân ở đây kiếm sống bằng đủ công việc từ chạy xe ôm, bán thuốc lá dạo, bán nước giải khát và bán khoai mì…

Tết với những cư dân vỉa hè chẳng có ý nghĩa gì. Thậm chí, từ “tết” với họ lại buồn hơn vì người có tiền thường đi chơi xa, hàng hóa của họ thường ế ẩm. Chị Trần Thị Tiên kể: “Tết người ta về quê, đi chơi hết, thành phố còn ít người lắm. Với lại, tết mấy ai ăn khoai mì nên làm ra mà chẳng ai mua. Nhiều khi phải ăn khoai mì trừ bữa. Buồn nhất là đêm ba mươi với mùng một, cả con đường vắng hoe chỉ có mấy gia đình sống ở vỉa hè ngồi nhìn nhau.

Ông Nguyễn Văn Bảy, 70 tuổi, cư dân vỉa hè mang bệnh lao phổi kể: “Có năm, ba ngày tết mà tôi lên cơn sốt, nằm rên hừ hừ trên vỉa hè. Ngày thường đi xin thuốc ở mấy cơ sở từ thiện được chứ ngày tết ai người ta đi làm mà xin thuốc? Đành cắn răng chịu đựng vậy”.

Chị Bùi Thu Trang ngậm ngùi tâm sự: “Tết là lúc người ta nhớ đến ông bà, tổ tiên bằng cách mua đồ cúng mời ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu. Ở đây, bàn thờ chẳng có, đồ cúng cũng không, nên nhớ thương ông bà cũng chỉ để trong lòng…”.

Bài và ảnh Trung Hoàng


Những người kiếm tết

Kỳ cuối: Giấc mơ đêm cuối năm

Nói đến tết, nhiều người nghèo thấy thờ ơ, không quan tâm. Nhưng không phải vì họ không mặn mà với tết mà bởi vì dù cố gắng mấy thì nhiều người vẫn không bao giờ có được một cái tết đúng nghĩa. Nhưng khi năm gần hết thì trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn cháy bỏng những khát khao

Hai chị em chỉ mong tết có được một bộ quần áo mới

Tôi gặp chị Nguyễn Thị Ngân (An Phú, quận 2) tại một quán cơm bình dân, khi chị đang bưng cơm cho khách. Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt hơi tái của chị. Mỗi lúc đưa cơm cho khách, chị đều mỉm cười thật tươi nhưng quay đi, tôi thấy gương mặt chị ưu tư, mệt mỏi. Khi khách đã bớt, bà chủ quán bảo chị: “Thôi đang bệnh về đi, để đó chị dọn cho!”.

Một điều ước: trả hết nợ nần!

Theo chị về căn nhà cấp bốn nằm ven bờ sông, chị cho biết mấy hôm nay bị cảm nhưng vẫn cố gắng đi phụ bán với bà chị để có tiền trả góp cho quỹ Trợ vốn CEP. Nhà vốn ọp ẹp, lại dột nát tứ tung nhưng không có tiền làm lại nên chị phải vay quỹ CEP 10 triệu, vừa hùn chung với chị gái bán quán cơm, vừa làm lại nhà rồi trả dần theo từng ngày. Mỗi ngày, chị phải làm sao có được 150 ngàn để trả góp. Chị bảo nợ lại cũng được nhưng như thế thì sẽ mất uy tín, lần sau khó được vay.

Chồng bị bệnh, không làm gì được nên một mình chị phải lo. Cách đây mấy năm, cô con gái đầu mất do tai nạn giao thông, mất đi một chỗ dựa nên chị càng vất vả hơn. Ngày mưa cũng như ngày nắng, chị ra bán quán cơm cùng với chị gái để cuối ngày nhận 170 nghìn vừa góp trả nợ, vừa dành cho con gái đi học. Ngày cuối năm đã cận kề mà chị chẳng nghĩ gì đến chuyện sắm sửa, chỉ mong sao mỗi ngày có tiền đều đặn để từ nay đến tết trả xong nợ. Chị tâm sự: Trả xong nợ mới thanh thản mà lo cúng kiếng ông bà, tổ tiên được.

Giống như chị Nguyễn Thị Ngân, chị Nguyễn Thị Tư (Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) cũng không mong ước gì hơn là tết này có thể trả hết được số nợ ba triệu đồng cho quỹ CEP. Số tiền này chị vay để mua chiếc ghe cho chồng đi lưới. Chồng đi lưới nhưng bữa được bữa không, phải tuỳ vào con nước nên chi tiêu trong nhà chủ yếu trông chờ vào tiền công của chị và cậu con trai 18 tuổi. Chỉ cho tôi xem chiếc ghe đang neo trên một dòng kênh đen ngòm, đầy rác chị bảo: Tết này trả xong nợ mua nó là khoẻ. Phải trả hết thì kỳ sau mới có thể tiếp tục vay vốn để sửa nhà. Căn nhà lợp lá đã cũ và dột nát quá nhiều rồi.

Ước mơ xa…

Mới chín tuổi nhưng hàng ngày, Lê Hoàng Hải (phường 10, quận 6) đã phải miệt mài ngồi lột tỏi để kiếm từng đồng bạc lẻ đưa mẹ thêm tiền mua gạo. Một ngày ngồi lột, khi những ngón tay teo lại, những vết xước nhức buốt thì cũng chỉ kiếm được vài ngàn. Mỗi ký tỏi lột sạch, Hải được trả công 1.000 đồng. Sức trẻ con, ngày nào nhiều cũng chỉ được năm ký. Sắp đến tết rồi, đó lại là những ngày cu Hải phải dậy sớm hơn, chăm chỉ làm việc hơn, miệt mài cả ngày không đi chơi với mong ước số tiền kiếm được nhiều hơn. Không dám nói ra với mẹ, nhưng em vẫn hy vọng nếu mỗi ngày em kiếm thêm được một ít tiền, mẹ có thể để dành mua cho em bộ quần áo mới.

Miệt mài thêu những chiếc áo, chị Điệp mong tết này có thể cùng cả nhà về quê

Nhà nghèo nên cu Hải không được đến trường, chỉ học ABC từ lớp học tình thương. Nhưng rồi cô giáo không dạy nữa, lớp học tình thương đóng cửa nên cậu mới lõm bõm được mấy chữ. Gia đình em chẳng bao giờ có tết, nhưng năm nào hai chị em cũng mơ ước ba mẹ có tiền mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới. Giấc mơ giản dị nhưng có vẻ xa vời khi hàng ngày, chỉ lo đủ ăn, cả nhà đã phải chạy hụt hơi. Năm nào hai chị em cũng hy vọng nhưng rồi lại thất vọng khi chiều ba mươi đến gần.

Những ngày cuối năm Lê Thu Hường càng miệt mài hơn khi mỗi ngày em cố gắng đi nhiều hơn, với hy vọng bán cho hết tập vé số trên tay. Mấy hôm nay, đi ngang qua một cửa hàng quần áo trẻ em, Hường thường dừng lại, tần ngần ngắm rồi vừa muốn chạy thật xa, vừa muốn dừng luôn ở đó. Ánh mắt Hường như bị thôi miên bởi chiếc đầm treo trong cửa hàng. Và nhiều đêm trong mơ, Hường vẫn thấy chập chờn hình ảnh bộ đầm đỏ rực rỡ treo ở cửa hàng...

Lên thành phố đã bảy năm, nhưng chưa năm nào cả gia đình chị Lê Thị Điệp (Hóc Môn) được về quê ăn tết. Từ An Giang lên TP.HCM, khoảng cách không xa nhưng với gia đình chị lại xa vời vợi. Chồng làm thợ hồ, chị lại bị bệnh thiếu canxi, bác sĩ không cho làm việc nhiều nên gánh nặng gia đình dồn cả lên vai anh. Bốn đứa con đều không được học hành mà phải đi làm kiếm sống. Thấy việc thất học sẽ khiến tương lai của con cái trở nên tăm tối nên chị quyết tâm cho con đi học. 15 tuổi, con trai thứ hai của chị mới được đến lớp phổ cập xoá mù lần đầu tiên. Hai đứa con còn lại đứa 12 tuổi, đứa tám tuổi cũng lần đầu tiên mới biết con chữ.

Nhưng việc đến trường của một trong những đứa con gặp khó khăn khi con út của chị không có giấy khai sinh khiến nhà trường nhiều lần thúc giục, nhắc nhở. Đã lâu không về thăm cha già ở quê nên chị dự định tết này cả gia đình sẽ cùng về vừa lo giấy tờ cho bọn trẻ, vừa thăm ông bà. Biết rằng con đường về quê sum họp ngày tết là xa lắm, nhưng những ngày này chị Điệp vẫn cố gắng đưa nhanh hơn đường kim, thức khuya hơn một chút để nuôi giấc mơ cả nhà sẽ cùng nhau trên một chuyến xe về quê đón tết...

Trung Hoàng

nguồn : SGTT

Nhận xét

Bài đăng phổ biến