Đọc báo online 9-02-2009


Ông Sáng mù

TT - Ông tên Sáng nhưng để phân biệt với những người cùng tên trong xóm, người ta gọi ông là “Sáng mù”. Khi lên 5, A Sáng lên ban, bà mẹ nghĩ rằng đây là bệnh thông thường của trẻ nhỏ vài ngày sẽ tự khỏi. Nhà nghèo quá chẳng nghĩ đến chuyện chữa chạy, thế là ông bị mù hẳn từ đó.

Ông không hơn tuổi ba tôi là mấy nhưng tôi vẫn quen gọi bằng ông bởi lẽ cái vẻ khắc khổ hằn sâu trên khuôn mặt làm ông già hẳn so với tuổi. Từ lúc lọt lòng, cái nghèo đã bám rịt lấy ông. Năm đó đói quá, nhà cũng không có mà ở, mẹ con ông ở nhờ tạm trong chuồng heo cũ của người ta. Mẹ của ông chết cũng do bệnh và không có cái ăn.

Ông không có vợ, “ai thèm lấy một người vừa nghèo lại vừa mù”, mà ông cũng chẳng muốn mình trở thành gánh nặng của ai. Một mình ông lầm lũi hai mùa mưa nắng ở nhà tình thương do Nhà nước cấp và nhận hỗ trợ hằng tháng từ hội người mù. Đường đi lối lại ông đã nằm lòng, gần 60 năm sống trong bóng tối, ông không còn lạ lẫm với mọi thứ xung quanh.

Ngày còn trẻ, ông làm đủ mọi việc và vì không thấy đường nên ông phải nỗ lực gấp mấy lần người bình thường. Ông làm cỏ mướn, đào giếng, đan thúng... không thua gì người sáng mắt, ông mò mẫm làm tất cả những gì có thể. Hồi đó, cứ sắp tới mùa gặt, cần thúng to hơn cỡ bình thường để đựng lúa thì người trong xóm đi chặt tre nứa về nhờ ông đan rồi trả công. Ông làm hơi lâu nhưng thúng ông đan chắc chắn và đẹp. Ba tôi bảo: “Mấy người sáng mắt chưa chắc làm được như anh Sáng” .

Tuổi tác cướp dần đi sức lực con người, thế là ông lại xoay sang bán vé số. Ngày nào ông cũng dậy sớm khua gậy đi bộ 3-4km. Có lẽ do người già sợ phải ở nhà một mình và quan trọng hơn với ông là kiếm đồng ra đồng vô để “mai mốt không đi được nữa thì biết làm gì và chết rồi cũng có tiền để ma chay”. Mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, ông tích cóp và gửi má tôi giữ giùm phòng đau bệnh còn có tiền thuốc thang.

Từ ngày xài tiền polymer, ông khó lòng phân biệt tiền thật, tiền giả. Mà sự đời lại trớ trêu với ông, không biết bao nhiêu lần ông bị người ta lừa, giật vé số. Có lần ông đến nhà tôi vào trưa nắng khóc hu hu vì bị đám thanh niên bảo xem số rồi nhẹ nhàng cầm cọc vé phóng xe đi mất, ông cứ đứng giữa nắng đợi chọn số, nóng ruột hỏi: “Nị (1) lấy mấy tờ, sao lựa lâu quá?”, mấy người đi ngang qua hỏi ông sao lại đứng giữa nắng nói chuyện một mình thì lúc đó ông mới hay mình bị lũ thanh niên kia lừa.

Ông đã nghỉ bán gần một tháng nay vì ngày càng nhiều người bán, ông lại chẳng chào mời gì được, ai thương thì mua giùm, mà lâu lâu gặp kẻ xấu bụng thì chẳng những không lời mà còn phải bỏ tiền túi ra bù lỗ.

Có lần ông bị tăng huyết áp tưởng là không qua nổi, ở bệnh viện chẳng ai chăm, ba tôi tìm mấy cái bệnh viện mới thấy ông, ông vội giật dây truyền nước biển bảo phải “cho ngộ(1) về nhà”. Đưa về nhà thấy ông vừa khóc vừa nói: “Tới ngày rồi”, ba tôi đùa: “Anh sợ tới ngày chết hả?”, “Không, hôm nay là ngày trùng cửu (9-9 âm lịch), lo ra quét dọn mộ cho a má(2)”. Thấy vậy, ba tôi la ông: “để ngày khác đi cũng được, đang đau yếu đi sao được, anh mà đi là về với a má anh luôn đó”. Thứ nước mặn chát cứ thế chảy ròng ra từ hố mắt đục mờ, nhăn nheo của ông. Ông sợ mai đây khi ông mất, ai sẽ hương khói cho má ông chứ ông không nghĩ mai này ai sẽ hương khói cho ông khi ông chẳng có ai thân thích.

Càng đọc nhiều, đi nhiều, hiểu nhiều tôi thấy câu nói của ba tôi về ông Sáng mù càng đúng: “Mấy người sáng mắt chưa chắc làm được như anh Sáng”. Bao người mắt sáng giả mù đi đánh cắp lòng thương của người khác, bao người sống bằng đồng tiền không phải từ lao động chân chính, bao người rũ bỏ trách nhiệm với người sinh thành ra mình... Giữa những xô bồ, dối trá, lừa lọc tôi thấy ông Sáng sao đẹp quá, tâm ông sáng lấp lánh...

A MÚ (KTX Đại học Quốc gia, Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM)

(1) Ngộ: tôi, nị - chỉ người nói chuyện với mình (anh, chị, bạn...). Đây là cách xưng hô của người Nùng tại địa phương tôi.

(2) A má: mẹ.

Ki bo lắm vào, chồng có biết ơn?

Nếu tôi chỉ biết tiếc tiền và ngày càng nhàu nhĩ đi, ai dám đảm bảo chồng tôi sẽ biết ơn tôi vì điều đó, sẽ hãnh diện vì có một cô vợ biết hi sinh bản thân; hay thay vào đó anh ta sẽ đi cặp bồ vì nảy sinh so sánh giữa một cô vợ lấm láp với những cô gái lúc nào cũng đẹp đẽ, nuột nà?

Thế là đã đủ cho sự hi sinh. Tôi không thể tiếp tục đày đọa mình thành một người vợ lúc nào cũng phải đè nén bản thân, không dám mua những thứ mình muốn, quay lưng với những thứ làm mình đẹp hơn, tự tin hơn. Nói chung là thành một người đàn bà “tắt lửa lòng” với cuộc đời mơn mởn trước mắt, tự nguyện bó mình trong cái rọ ngột ngạt của sự ăn tiêu chắt bóp.

Bài viết của một cô vợ nghiện shopping.

Từ lâu lắm rồi tôi đã không nghĩ đến chuyện tiết kiệm hay ki cóp. Tại sao phải biến mình thành một kẻ bo bo giữ tiền, tiêu xài kít rít? Đàn bà đã phải vất vả sinh nở, nuôi nấng và chăm sóc con cái, những chuyện đó đã khiến chúng tôi sớm suy tàn cả nhan sắc lẫn sức khỏe

Tôi đã từng thử sống tiết kiệm. Thời vợ chồng mới lấy nhau, mỗi tháng tôi lên kế hoạch để dành 500.000 đồng bỏ heo, nhưng rồi cứ nhét vào lại lôi ra vì những khoản tiêu không thể không động đến nó. Việc ấy chỉ khiến tôi đau đầu vì tính toán, vợ chồng cắn đắn nhau vì cứ phải căn vặn từng trăm ngàn. Kết quả chúng tôi chẳng khấm khá hơn. Tôi đã từ bỏ lối tiêu tiền và cất giữ tiền kiểu đó.

Tôi chăm sóc chồng con tốt, tôi đi làm chứ chả phải nằm nhà cho chồng nuôi, vì thế tôi có quyền hưởng thụ, ấy là mua sắm, xài tiền vào mục đích nâng cấp bản thân, tạo thêm giá trị cho mình. Tôi biết sự tiêu xài của tôi sẽ khiến chồng mệt mỏi hơn trong việc kiếm tiền, tiền dự trữ trong két của gia đình lúc nào cũng bé tẹo. Nhưng thử hỏi hằng ngày tôi dành ra vài chục nghìn bỏ heo đến bao giờ mới mua nổi nhà, mua được ôtô xịn? Hoặc đến khi có thể mua được, tức vài chục năm sau ấy, tôi đã sắp... ngỏm củ tỏi rồi! Nếu mong cầu giàu có, tôi tin chắc vào vận may hoặc một cú làm ăn của chồng chứ không tin vào việc phải bớt một cái áo hay đôi giày để đạt được điều đó.

Vì vậy trong lúc chờ đợi sự giàu có, dĩ nhiên tôi cần phải sống một cuộc sống thoải mái và đầy đủ. Tôi làm đẹp để giữ chồng, tôi sắm sửa cho gia đình để làm cuộc sống cả nhà thoải mái hơn. Thu nhập của chúng tôi đã tăng lên theo từng năm. Nhưng chúng tôi vẫn sống theo kiểu không lo lắng, không tính toán chi li từng đồng.

Mỗi dịp tết chồng được thưởng vài chục triệu, vợ chồng con cái đưa nhau đi nghỉ ở resort thay vì những bãi biển bình dân ken đặc người, thay vì cất tiền vào tủ và lo lúc phải đi viện. Nếu cứ lo như thế chả phải là sống nữa, mà là đang đưa cổ vào cái thòng lọng nơm nớp chờ lúc nó thắt lại. Tất nhiên cũng có lúc hết tiền nhưng tôi không quá lo lắng vì tôi còn tiền lương, còn một ông chồng chịu khó kiếm tiền và thích ngắm vợ mặc đẹp như một người mẫu.

CHI NHUNG

Nới lỏng chút đi vợ ơi!

Nhiều khi đi siêu thị thấy bà xã đứng tần ngần ngắm nghía bộ vest hàng hiệu mà thương. Nhưng chớ dại mà “ra tay nghĩa hiệp” mua tặng nàng nếu không muốn... ăn trứng luộc.

Khi chồng... phát biểu cảm tưởng về tính tiết kiệm của vợ.

Tôi nhớ lần đầu đưa người yêu về ra mắt ba mẹ, mẹ tôi bảo: “Nhìn quần áo, cách nhặt rau mẹ biết con bé này tính rất đàn bà. Tốt quá! Có người trị cái tính “đại gia” của con rồi!”. Quả thật mẹ tôi nói trúng phóc, tôi khổ dài dài vì tính rất đàn bà của bà xã.

Mới cưới bà xã tôi đã đưa ra nội quy tiết kiệm: nào là bớt lai rai, giảm tiêu xài, cơm nhà là thượng sách... Tôi cằn nhằn thì nàng viện lý do: hai vợ chồng chỉ là nhân viên, đồng lương khiêm tốn, không tiết kiệm thì cuối tháng... treo nồi. Hằng tháng tiền lương của tôi đều bị nàng thâu tóm, tiền dằn túi nhẹ hều, nhiều phen làm tôi khốn đốn, lo thót cả ruột. Cái khó ló cái khôn, tôi phải lập “quỹ đen” để tự cứu mình.

Kỷ niệm ba năm ngày cưới, tôi đặt vài món ăn, có cả hoa và nến. Chiều tan sở, tôi nhắn nàng ra quán nơi lần đầu chúng tôi hẹn hò. Tôi hồi hộp chờ xem vẻ mặt ngạc nhiên và hạnh phúc vì bất ngờ của nàng. Quả thật bà xã tôi rất kinh ngạc, rồi... giận lẫy bảo chồng xài hoang phí, đem nửa tháng tiền chợ “nướng” vào một bữa tiệc, món nào cũng toàn “lưỡi lam” làm sao nuốt nổi. Ngày vui bỗng trở thành buồn một cách lãng xẹt. Hậu quả là cả tuần sau đó cả nhà phải ăn trứng luộc để bù.

Rút kinh nghiệm đau thương lần trước, lần kỷ niệm sau tôi chỉ tặng nàng bó hoa. Lần này nàng không giận lẫy mà cười như mếu: “Chi sang vậy? Một cành là được rồi”. Từ đó về sau tôi đưa tiền cho gọn, nàng thích gì tự mình mua là chắc ăn, khỏi cằn nhằn lôi thôi. Không dè tôi bị bà xã lật tẩy, điểm trúng huyệt: “Anh xài sang vậy chắc có quỹ đen, khai thiệt đi!”. Thế là tôi bị nàng moi tận ruột, quỹ đen quỹ đỏ gì cũng “giải ngân” sạch sẽ.

Nhiều khi thấy bà xã chay tịnh quá tôi cũng xót ruột, tự trách mình là đàn ông mà để vợ phải ki bo, tính toán mắm muối tương cà chi li từng bữa thật khổ. Tôi tích cực làm thêm ngoài giờ, nhưng bao nhiêu tiền phụ cấp “xóa đói giảm nghèo” cũng không thấy tình hình được cải thiện. Mâm cơm vẫn thanh đạm, tủ áo của vợ cũng chỉ vài bộ đơn sơ... Chắc là cái tính tiết kiệm của nàng thành thâm căn cố đế mất rồi.

Gần đây tôi được thăng chức, công ty của bà xã liên doanh với nước ngoài, thu nhập của hai vợ chồng tăng vọt. Tôi thở phào qua rồi cái thời thắt lưng buộc bụng, phen này bà xã sẽ nới lỏng cho hai cha con “xả cảng”. Ai dè nàng lập tài khoản mới, tiền thu vượt trội sẽ nhập vào để sau này lo cho cu Bi học hành. Khổ rồi! Chắc cái số tôi phải lo cày đến già, có làm mà không có hưởng. Năm nay con trâu, chắc càng cày mệt dữ. Không tu mà ép xác chi cho khổ vậy vợ ơi!

ducdongthap@

Nàng Tấm đâu rồi?!

Tôi nhớ thầy Nguyễn Khắc Thuần vẫn hay nói với SV: “Phụ nữ phải dịu dàng, nữ tính. Không những phải biết ru con mà còn ru chồng, để cả cuộc đời êm đềm như một lời ru”. Nghe thầy nói mà đám tụi tôi... chảy nước dãi, mơ màng ước chi nàng của mình cũng y chang vậy.

Rồi cô gái của đời tôi cũng xuất hiện. Nàng tóc dài tha thướt hiền dịu. Tôi tốn nhiều thời gian mới rước được nàng về dinh. Khỏi nói tôi hạnh phúc thế nào. Chiều chiều tan sở, tôi đi ta bà tứ đế nàng cũng chỉ khóc thút thít là cùng.

Đời ai học được chữ ngờ. Từ lúc mang bầu cu Bi, bà xã tôi hay cằn nhằn, rên rỉ. Tôi ráng chịu trận vì nghe nói tâm lý của mấy bà bầu rất phức tạp. Đâu ngờ sau khi sinh con, cái sự nóng nảy của nàng đã mất thắng, càng lúc càng trầm trọng. Dù chỉ là chuyện thằng con ăn cơm rơi vãi, chồng làm hư điện thoại…nàng cũng sẵn sàng nổi cơn tam bành. Không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng như thí sinh trước giờ mở đề. Hai cha con đi nhẹ nói khẽ, rón rén như ăn trộm để khỏi chọc giận nàng. Vậy mà cũng không sống yên. Nàng kêu số nàng đen đủi, lấy nhầm cái hũ hèm, ngay cả con cũng hùa theo cha để đày mẹ… Cả tuần chay tịnh, chiều chủ nhật tôi ngóng cú nhá máy của đám bạn, canh me hoài chẳng thấy tăm hơi. Thì ra tụi nó cho mình ra rìa hồi nào không hay. Hỏi ra mới biết: “Lần nào gọi tới cũng nghe giọng nữ cao của bà xã cậu, tụi này ớn quá, mất lửa, hết muốn nhậu luôn !”. Mất mặt quá trời!

Khi con đã lớn, việc nhà rảnh rang, cũng chẳng thấy nàng thôi than thở. Vừa đi làm về đã nghe nàng than thằng con chỉ lo xem phim, không lo học. Vào mâm cơm, nàng than vật giá leo thang, thứ nào cũng hao, cũng tốn. Hết than trong nước, nàng than ra...quốc tế. Tôi thiu thiu đi vào giấc ngủ thì nàng đã than tới chỗ kinh tế Mỹ đang khủng hoảng trầm trọng…

Tôi nhớ thầy dạy tâm lý hay nói vui: “Sau khi cưới vợ hai năm, tôi đố ai còn hôn vợ nồng nàn như trước”. Bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của thầy. Tôi thử hôn nàng, nhưng nụ hôn chưa tới đã nhớ tới cái mặt hầm hầm như mặt trời của nàng lúc giận chồng con nên bị dội, hôn làm sao vô!

Ông bà xưa chắc có thâm ý khi gọi vợ là nội tướng, nghề của vợ là nội trợ… Thời nay phụ nữ được giải phóng khỏi xó bếp nên các nàng như cá gặp nước, vùng lên quá mạng. Nhưng mà vùng gì thì vùng, xin các bà “bảo tồn văn hóa” cho tốt, không thì mai một hết mấy nét dịu dàng nết na thùy mị, thiệt thòi cho anh em tụi tui quá!

Ducdongthap@...

"Sự dịu dàng của phụ nữ có lẽ chỉ “hưởng dương” tới ngày có con là chấm hết"

Còn đâu duyên dáng, thục hiền hỡi em?

TT - Một trung tâm tư vấn hôn nhân ở Hà Nội đã phỏng vấn 20 người đàn ông với câu hỏi: “Thói xấu nào của vợ mà ông ghét nhất?”. 87% trả lời: “Nói nhiều”. Thậm chí có ông còn khai ra: “Đã gần một năm nay tôi “bất lực” không thể làm “chuyện ấy” được vì bà ấy ta thán nhiều quá khiến tôi tê liệt mọi cảm xúc”.

Nhưng phụ nữ lấy đâu ra chuyện nói nhiều như vậy? Các nhà nghiên cứu đã đặt máy ghi âm trong một “tổ ấm” có vợ hay chì chiết chồng con và bất ngờ nhận ra: hơn 90% những “bài vọng cổ” ấy có nội dung … giống nhau!

Có lẽ đàn ông thời nay cũng lắm tội quá, không nói không được. Nhưng thật ra chẳng có ông nào thoát. Ông làm việc đầu óc thì bị vợ mắng là đóng cái đinh mắc màn không nên hồn. Ông làm việc chân tay bị mắng là viết đơn xin cho con nghỉ học không nên thân. Ông giỏi cả chân tay lẫn trí óc lại bị chê cả năm không mua được một bông hoa tặng vợ. Nghĩa là kiểu gì ông cũng bị mắng.

Thật ra vợ chồng cũng phải góp ý với nhau nhưng nên hạn chế càng nói ít càng tốt vì đặc điểm của đàn ông là thích yên tĩnh. Có lẽ từ thượng cổ họ đã phải xông pha săn bắt, trận mạc nên khi về đến cái hang của mình, hãy để cho họ được hưởng bầu không khí thân mật, được nghe giọng nói êm ái, dịu dàng của người bạn đời.

Chúng ta thường giao tiếp bằng cùng một thứ ngôn ngữ nhưng phong cách của nam và nữ không giống nhau. Nếu là phụ nữ mà cách nói năng lại giống đàn ông thì vẻ đẹp nữ tính giảm đi rất nhiều. Cách phát âm của phái đẹp cũng dịu dàng hơn. Trong câu nói của họ thường có các hư từ như: nhé, nhá, nhỉ, nha, ạ. Cho nên nghe họ nói thường thấy êm tai hơn, có khi làm nên ma lực điều khiển cả phái mạnh.

Nhưng có người cho rằng lịch sự là đối với người ngoài, vợ chồng sống với nhau cả đời cần gì phải… vẽ chuyện. Có bà vợ còn tự hào nhận là “phổi bò”, chỉ biết “chém to kho nhừ”, cứ “thẳng ruột ngựa” mà nói, chứ đây không biết nói khéo… Từ quan niệm đó, họ cư xử với chồng thô thiển, suồng sã và chính cung cách đó làm tình yêu tàn lụi.

Chúng ta đấu tranh giải phóng phụ nữ nhưng không ai nhằm tới cái đích biến đàn ông thành đàn bà, còn đàn bà lại thành ra đàn ông. Đàn ông mạnh mẽ, đàn bà dịu dàng đó là sự kết hợp âm dương hài hòa. Hai giới bổ sung cho nhau, cư xử với nhau lịch sự mới giữ được tình yêu, hạnh phúc lâu bền. Tình yêu là một tình cảm thiêng liêng, cao đẹp. Muốn giữ được nó phải có thứ ngôn ngữ và cung cách ứng xử tương ứng với nó. Còn nếu không làm được như vậy có lẽ cũng đừng nên chất vấn nhau tình yêu ngày ấy đâu rồi!

TRỊNH TRUNG HÒA

Cho anh xin một ngày dịu dàng…

TT - Không chỉ nhiều ông than phiền sự hiền dịu, thùy mị của bà xã lặn đâu mất, mà một số bà vợ cũng tự vấn “Sao dạo này mình dữ quá?”. Thử phân tích sự dịu dàng của người phụ nữ đã có gia đình qua các bài viết dưới đây:

Có ai bán cái dịu dàng, tôi mua!

Dạo này, thằng nhỏ không còn quấn quýt tôi như trước. Tôi đi làm về, nó chỉ chạy đến ôm mẹ chiếu lệ khi được bố nhắc nhở. Công việc của chồng nhàn hơn tôi. Mỗi ngày anh về sớm và chơi với thằng bé. Còn tôi, 7 giờ tối vẫn “ngập lụt” trong hàng mớ công việc. Khách hàng, đối tác, đồng nghiệp, cấp dưới, cấp trên, cơ quan hành chính nhà nước…đều làm tôi căng thẳng. Cuối tháng, khi sắp báo cáo tháng cho sếp là lúc đầu tôi căng như dây đàn.

Những lúc cao điểm, tôi mang công việc về nhà. Tôi chỉ ăn vội cơm do người giúp việc nấu rồi lao lên máy tính làm việc tiếp, nhóc tì luẩn quẩn dưới chân là bị ăn đòn ngay. Lúc đầu nó nhõng nhẽo đòi tôi kể chuyện. Tôi quát, nó lì, không chịu đi chơi. Tôi quát lớn, chồng chạy đến, nó lăn ra ăn vạ, miệng cứ gọi: “Má, má, con thích má” thì tôi thật sự nổi điên: “Đi hết cho tui nhờ. Cực khổ muốn chết mới kiếm ra tiền, đeo vậy sao tui làm việc”.

Cô giúp việc sợ hãi nhìn tôi, nhào vô phụ chồng tôi lôi thằng nhóc ra chỗ khác. Tôi bực quá: “Tui thuê cô để coi chừng nó, sao cô để nó làm phiền tui quá vậy?”. Cô ta ươn ướt nước mắt, tôi càng nổi điên: “Oan uổng lắm sao mà khóc?”.

Tôi cũng không biết hoạt cảnh này diễn ra bao nhiêu lần. Tôi có cảm giác mọi người chẳng ai hiểu mình hết. Công việc, áp lực, stress triền miên. Tôi không có giờ nào để nghỉ ngơi, thư giãn cho riêng mình. Đi siêu thị, lúc nào giỏ hàng cũng toàn đồ cho chồng, cho con. Tôi không dám đi spa, không dám tiêu xài cho mình.

Thời gian đầu chồng im lặng. Nhưng bây giờ hình như anh bắt đầu ngán ngẩm. Sáng nay anh nói: “Em ơi, bớt việc chút đi, đừng làm khổ anh, làm khổ cả nhà mình nữa. Mình biết đủ là đủ”. Tôi tuôn một tràng ấm ức: “Anh sống an phận nhưng em thì không. Em không muốn con mình bị người ta khinh thường vì nghèo khổ như em…”.

Đến đó thì anh im và bỏ đi, còn tôi ngồi ôm mặt.

Ngày xưa, ai cũng khen tôi có giọng nói “chết người”. Hồi còn SV có lần tôi nghe lén thằng bạn thân nói chuyện với người yêu tôi là ông xã tôi bây giờ: “Nó không đẹp nhưng giọng nói còn ngọt hơn giọng cô MC Q. nữa, mày có phước, giọng đó mà chửi nghe cũng êm tai”.

Tôi chắc chồng tôi chẳng thấy êm tai gì với những tiếng quát tháo của vợ.

Tự vấn mình đủ kiểu, rồi làm thử mấy trắc nghiệm trên báo, tôi thấy mình đang stress cấp độ nguy hiểm. Vậy là tôi tìm đến trung tâm tư vấn. Cô tư vấn lắng nghe xong, cho tôi đến bác sĩ. Bác sĩ là một phụ nữ cỡ tuổi tôi, ngoài ba mươi một chút. Tôi tò mò: “Ở nhà chị có bị nổi khùng như tôi không?”, chị cười: “Ai mà không vậy. Nhưng vì là bác sĩ nên tôi tự kiềm chế, tự chữa bệnh cho mình được”.

Khám bệnh xong, tôi bần thần ra quán cà phê. Điện thoại rung: “Tao cang thang qua, may dang o dau?”. Con bạn thân nhất nhắn tin. Con nhỏ tới. Mặt mày nhăn nhó, giọng nói the thé vì giận dữ. Tôi giật mình, thấy tôi trong nó: hai cựu “yểu điệu thục nữ” trong khoa giờ đã thành hai bà chằn mất rồi. Cô bạn vung tay, trợn mắt, chu miệng kể về cuộc khẩu chiến tối qua với chồng. Trời ơi, nó làm khâu “chăm sóc khách hàng” mà? Kiểu này là ép mình ngọt ngào với khách, về nhà với chồng thả ga chua lè đây!

Nhìn bạn rồi nhìn mình, tôi tự hỏi vì sao khi lấy chồng, có con; tôi, bạn tôi và nhiều phụ nữ khác đã từ mèo con hiền lành thành sư tử hung dữ như vậy?

LÂM LINH

Tags: đọcbáoonline9-02-2009 | Edit Tags
Sunday February 8, 2009 - 07:07pm (PST) Edit | Delete | Permanent Link | 0 Comments

Nhận xét

Bài đăng phổ biến