Đùa dai
1. Cái hiệu ảnh này thì ngày nào Hài cũng đi ngang, vì nó nằm trên con đường chị đưa con đến trường. Trước cửa hiệu dựng tấm bảng lớn vẽ hình cô gái trong trang phục cô dâu với bó hồng trên tay. Lâu ngày, bức vẽ đã trở nên mờ nhạt, xỉn màu; lại thêm thằng bé nào đó đá trái banh trúng vào một bên má cô dâu, khiến có cảm tưởng cô ta đang mếu khóc. Mỗi bận đi qua, Hài cứ thắc mắc vì sao không có ai chùi cái vết banh bẩn kia cho cô gái đỡ khổ. Và, đây là lần đầu tiên Hài đặt chân vào hiệu ảnh này. Vừa giao xong mấy cuộn phim cho cô gái ở quầy, Hài bất chợt ngẩng lên, bức ảnh to quá khổ người thật treo trên tường đập vào mắt khiến chị suýt té ngã. Hài bối rối bước tháo lui, lại va phải anh chàng mặt đầy râu ria, trước ngực đeo lủng lẳng hai cái máy ảnh. Hài lí nhí nói xin lỗi, anh chàng sửng sốt nhìn Hài mấy giây rồi la lớn:
- A! Thì ra là… em!
Hài chỉ còn biết trố mắt nhìn trân trối anh chàng, không thốt nên lời. Ngoài cửa hiệu, tiếng còi ô tô giục giã. Anh chàng vừa đi như chạy, mắt không rời nhìn ngoái lại phía Hài.
- Tạm biệt, hẹn gặp lại nhé!
Sau khi đã chui vào chiếc ô tô màu sữa có kết hoa và những dây băng nhiều màu, anh chàng vẫn cố nhoài người qua cửa vẫy vẫy cả hai tay với Hài.
Phải định thần một lúc Hài mới dám nhìn lại bức ảnh rồi hấp tấp bỏ ra. Cô hiệu ảnh nhìn theo Hài khó hiểu, có vẻ như cô không nhận ra người trong bức ảnh đang treo trên tường kia là Hài. Thì ra bức ảnh này có mặt trên đời đã mười năm mà Hài không biết gì. Trong ảnh là một đôi tân hôn, cô dâu chính là Hài, nhưng chú rể không phải là chồng Hài mà là anh chàng râu ria ban nãy. Chẳng có ai chơi trò ghép ảnh, mà đây chính là bức ảnh được chụp thật. Trong ngày cưới của Hài, theo hướng dẫn của tay thợ ảnh, vợ chồng Hài đã đi chụp ảnh ở nhiều nơi, trong đó có mấy bức trước nhà hát lớn thành phố. Có đến năm, sáu đôi tân hôn cùng đến đây chụp ảnh, trong số có đôi của anh chàng râu ria. Nhưng ngày ấy anh ta chưa để râu như bây giờ. Đôi của anh ta là vui nhộn hơn cả vì có vẻ anh ta và cả đám bạn đang la đà say rượu. Bất ngờ anh ta đẩy nàng dâu của mình về phía chồng Hài rồi đề nghị:
- Tôi với ông đổi đào chụp một bức ảnh làm kỷ niệm.
Cô dâu của anh ta vùng bỏ chạy, nhưng anh ta đã kịp quàng lấy vai Hài. Chồng Hài giằng tay vợ, dẫn ra xe, quyết định chấm dứt chuyện chụp ảnh. Từ đó, sống với nhau hơn mười năm, không một lần Hài nghe chồng nhắc đến cái kỷ niệm khó chịu này. Hài cũng làm như mình không còn nhớ gì. Kỳ thực, thỉnh thoảng Hài vẫn nhớ. Mà thực ra chị cũng nhớ rất mù mờ về gã đàn ông kia, chỉ nhớ hơi rượu toát ra nồng nồng từ người anh ta. Chồng Hài tuyệt không uống một giọt rượu. Nhưng ba Hài thì uống. Ngày Hài còn nhỏ, sau những lần ba chị đi uống rượu về, ông hay trửng giỡn, trêu ghẹo chị em Hài. Những lúc như vậy ông trở nên thật hiền và vui. Muốn xin ông điều gì, nhất là tiền, chị em Hài lại chờ dịp ông uống rượu. Ông sẵn sàng dốc hết túi tiền cho từng đứa. Mỗi lần ông đi nhậu về đến cửa, mẹ Hài lại cảnh báo:
- Tụi nó đang chờ ông về để xông vô xé thịt đó!
Những lúc buồn, nhớ về tuổi thơ, cha mẹ, Hài lại nghe phảng phất mùi rượu ấm nồng. Và bất chợt lại nhớ đến chuyện chụp ảnh ngày cưới…
2. Đắn đo mấy bận, rồi thì Hài cũng bước chân vào hiệu ảnh. Quả đúng như chị dự đoán, ngồi trong quầy là anh chàng râu ria. Không nói không rằng, Hài chìa cho anh ta tờ giấy hẹn. Anh chàng lặng lẽ lục ảnh giao cho Hài. Trả tiền xong, đã định bước ra, không hiểu sao chị lại lên tiếng hỏi:
- Hiệu ảnh này của anh?
- Không đâu, của thằng bạn tôi. Tôi chỉ làm công cho nó thôi.
- Anh nói dùm với bạn anh cất tấm ảnh này đi được không? Tôi không muốn nhìn thấy nó.
Anh chàng gãi đầu cười tinh quái:
- Mấy năm nay tôi cũng muốn tìm trả lại cho chủ nhân của nó. Ngặt không biết Hài đang sống ở đâu. Bỏ đi thì cũng hơi… tiếc người đẹp.
- Sao anh lại biết tên tôi?
Anh chàng cười, chỉ vào cái giấy hẹn lấy ảnh.
- Anh đừng có đùa giỡn nữa. Anh đốt bỏ tấm ảnh dùm tôi đi. Chồng tôi biết chuyện này thì rắc rối.
- Cái mặt tôi thì tôi đốt được ngay. Còn Hài, tôi không… dám. Mà phải nói, ngày xưa Hài trông không đẹp hơn… vợ tôi, còn bây giờ thì hơn hẳn. Là tại làm sao thế? Tạo hoá thật khó hiểu.
- Xin anh đừng nói dây dưa nữa. Tôi là người đã có chồng con…
- Thì tôi cũng nói cho vui vậy thôi. Con Hài chắc cũng bằng tuổi với thằng con tôi.
- Làm sao anh biết con tôi bao lớn?
- Tôi xem ảnh thì biết chứ khó gì.
- Cái anh này tò mò đời tư người ta hơi nhiều đó. Xin anh chấm dứt cho là vừa.
- Còn một việc này nữa tôi muốn nói với Hài. Tôi có một vật cũng của Hài, muốn trả lại cho Hài. Hài cho tôi địa chỉ để dịp nào thuận tiện…
Không hiểu sao Hài muốn chạy ngay ra khỏi hiệu ảnh, dù chị cũng không phiền lòng gì với lời lẽ của người đàn ông này. Dường như có mùi rượu đang phảng phất quanh anh ta. Mới sáng ra mà đã có mùi rượu rồi. Người gì mà nhậu nhẹt ghê thế…
Và khi đã bước ra giữa trời nắng, đã ngồi yên ổn trên xe, cho xe nổ máy, Hài mới nhớ ra là mình đã ngu dại nói cho anh ta cái số điện thoại của con bạn, con Hân. Có lẽ lúc ấy do chị quá bối rối.
Chồng chị đứng đợi chị bên cửa. Anh bỏ quên cái điện thoại di động khi ra khỏi nhà. Thế là hôm nay anh đi làm muộn hơn một tiếng. Lúc anh đi rồi chị mới nhớ là anh cũng có chìa khoá cửa. Nhưng sao anh vẫn đứng đợi chị?
3. Hân gọi điện thoại cho Hài. Hài hỏi có chuyện gì? Hân nói bí mật. Hài nói biết rồi, nhưng sắp tới giờ rước con, còn làm cơm cho chồng. Hân nói chán mày quá. Thế là Hài đến. Hân chỉ tay xuống mặt bàn:
- Của mày đó. Mở ra coi đi. Tao… coi rồi.
Trên bàn là một cuộn tròn và một khung vuông to khổ, mỗi bề rộng gần mét. Cả hai vật phong giấy báo bên ngoài đã bị mở xộc xệch. Cái cuộn tròn là bức ảnh “tân hôn”. Hài mở ra rồi cuộn lại nhét xuống gầm bàn. Hân nói:
- Sướng ghê, hai chồng. Còn tao từng này tuổi mà kiếm một mống không ra.
Hài đỏ mặt:
- Đồ quỷ. Ăn nói bậy bạ. Chồng đâu mà hai. Một thằng hầu hạ còn muốn đứt hơi.
Tiện tay Hài lật ngược cái khung vuông. Chị bàng hoàng lặng ngắm bức tranh một lúc lâu. Trong tranh là chân dung của một cô gái trẻ với đôi vai trần và mái tóc dài chảy suốt bề dọc khung tranh. Mái tóc này đúng là tóc của chị rồi. Và gương mặt cũng là của chị. Cả thời thiếu nữ chị cũng chưa có tấm ảnh nào đẹp như bức chân dung này. Mà sao coi buồn quá. Hân nói:
- Hắn là hoạ sĩ đấy. Giờ thất nghiệp đi chụp ảnh dạo.
- Mà hắn vẽ tao để làm gì vậy?
- Mày tìm hắn mà hỏi, tao làm sao biết. Cũng có thể hắn vẽ mày để… tương tư. Mà “chồng hai” của mày tên gì vậy?
Hoá ra Hân cũng không biết tên hắn. Dĩ nhiên hai món “của nợ” này Hài không thể mang về nhà. Sau một lúc cười cợt bàn tính, hai người quyết định treo cả hai trong phòng của Hân để thỉnh thoảng Hài đến ngắm cho vui. Xem ra nếu đem huỷ chúng đi thì cũng tiếc thật vì Hài nghĩ, dù sao đây cũng là nhan sắc của mình một thời. Thế là hai người tìm búa, tìm đinh kỳ cạch treo chúng lên tường.
Khi Hài đến trường đón con thì cổng trường đã đóng. Chị về đến nhà, anh chồng đang đứng làm bếp, lặng thinh không nói với chị một lời.
4. Từ ngày có bức tranh, Hài ghé nhà Hân thường hơn. Thỉnh thoảng Hân lại có thông tin mới. Hân:
- Ê, hôm nay biết tên “chồng hai” của mày rồi nghen! Hắn cũng tên Nam, trùng tên với chồng mày luôn. Có nằm mơ mặc sức mà kêu tên, khỏi sợ bị nghi.
- Hắn tới đây à?
- Không. Chỉ gọi điện đến. Toàn nhắc tên mày.
Hài:
- Nhớ cái bộ mặt râu ria thấy phát sợ.
Lần sau Hài đến. Hân:
- Đúng là con hắn bằng tuổi con mày. Mà thôi vợ rồi. Hơn sáu năm nay. Giờ ở nhà trọ.
Hài:
- Có cách nào mà “liên hệ” chặt chẽ thế?
- Hôm rằm tao đi chùa, gặp hắn dẫn thằng con vào chùa cho nó vẽ. Cũng có vẻ biết làm cha lắm. Tao đi ngang thấy hai cha con ngồi dưới gốc bồ đề ăn cơm hộp, uống nước khoáng.
Hân lại chỉ tay vào bức ảnh “tân hôn”:
- Mày có để ý gì không? Hắn nói cái bảng quảng cáo này là điềm xui xẻo khiến hắn bị vợ bỏ.
Dù nó rất nhỏ bé trong bức ảnh nhưng vẫn có thể nhận ra, đó là tấm áp phích quảng cáo vở kịch Đám cưới không có giấy giá thú dựng trước nhà hát. Hài nói vui:
- Hắn không có giấy giá thú, còn tao thì có, nên kẹt luôn tới giờ.
Một bữa Hài đi chợ, “tiện thể” tạt qua nhà Hân lại thấy nhà khoá cửa. Hài ghé quầy hoa đầu chợ, mua bó hoa với nén nhang rồi đi thẳng ra nghĩa địa thăm mộ cha mình. Thỉnh thoảng những lúc buồn, Hài vẫn thường ra đây ngồi thủ thỉ với cha. Chợt Hài đứng sững lại khi nhìn thấy dưới thềm xi măng chân mộ cha mình có ai đó nằm ngủ, chiếc kết nhỏ úp trên mặt không che hết bộ râu khiến chị sinh nghi, rón rén đến gần. Nghe động, người nằm ngủ choàng dậy dụi mắt. Anh ta reo lên mừng rỡ:
- A! Thì ra là… em!
- Anh làm gì mà nằm ở đây?
- Tôi… ngủ trưa. Còn Hài đi đâu mà vào nghĩa địa có một mình? Không sợ à?
Hài ngồi xuống, đặt bó hoa trước mộ:
- Đây là mộ ba tôi.
Anh chàng có vẻ rụt rè:
- Tôi ngủ trưa ở đây hoài mà đâu có biết. Hài cho tôi thắp nén nhang coi như làm quen với bác.
- Anh thường ngủ trưa ở đây thật sao?
- Là do tôi đi chụp hình đám ma nhiều lần, nên phát hiện ra chỗ này.
Hài tò mò:
- Còn lúc chưa phát hiện ra, anh ngủ trưa ở đâu?
- Tôi vô rạp chiều phim. Mua cái vé mười lăm ngàn, tha hồ ngủ phòng máy lạnh. Nhưng ở đó lắm người nhiều chuyện phá giấc ngủ. Ở đây nếu cần, mình tha hồ nói chuyện với “hàng xóm” mà không cần phải nghe họ.
- Anh làm gì mà có vẻ chán đời thế?
Hài nhìn quanh một lượt, nghĩa địa buổi trưa tịnh không bóng người. Hài trao thẻ nhang cho người đàn ông:
- Nếu anh còn ngủ trưa ở đây, nhờ anh thỉnh thoảng đốt cho ba tôi cây nhang. Ông ấy mà còn sống có thể đối ẩm với anh được đó. Thôi, tôi về, trưa quá rồi.
Hài đi vội vã không dám ngoái nhìn lại. Chị nghe dường như trong gió có phảng phất hơi rượu nồng.
5. Tám giờ tối, Hân gọi điện thoại cho Hài báo tin Nam bị tai nạn xe đang nằm cấp cứu trong bệnh viện. Hài dắt xe ra, chỉ nói với chồng là đến nhà Hân có chút việc. Đang nằm xem ti vi trên salông, anh chồng nhỏm dậy hỏi vợ có việc gì mà phải đi đêm hôm thế này?
- Việc riêng!
Hài nói gọn lỏn một câu rồi cho xe vọt đi. Hơn mười năm sống với chồng, đây là lần đầu tiên Hài bứt ra khỏi sự phục tùng. Khi Hài đến bệnh viện cũng vừa lúc người ta gọi người nhà bệnh nhân vào phòng trực để ký tên làm thủ tục giải phẫu. Hân vội vào phòng trực, không kịp nhìn thấy Hài vừa mới đến. Người thường trực hỏi:
- Ai là người thân của bệnh nhân?
Hân:
- Tôi.
- Chị cho biết tên bệnh nhân.
- Tên Nam.
- Gì Nam? Họ?
- Họ… Nguyễn. Nguyễn Văn Nam.
- Phải số điện thoại 7676345 là của chị không?
- Đúng. Đó là số của tôi. Sao các anh có được số này?
- Trong người nạn nhân không có giấy tờ tuỳ thân. Chỉ có mảnh giấy ghi con số điện thoại này và cái tên Hân, Hận gì đó viết đầy kín cả trang giấy. Chị tên là gì?
- Tôi là Hân.
- Đúng rồi, đúng tên chị. Chúng tôi phải thông báo cho chị điều này, tình trạng người nhà của chị rất nguy kịch, cần phải phẫu thuật ngay. Nếu chị đồng ý thì ký vào đây. Thủ tục bắt buộc như vậy. Mà chị quan hệ thế nào với bệnh nhân?
- Tôi là vợ chưa cưới của anh ấy.
Nghe xong mẩu đối thoại trên, Hài lặng lẽ rời bệnh viện.
Hai hôm sau, người ta thấy Hân chít khăn xô trong dòng người đi theo xe tang ra nghĩa địa.
Đầu này nghĩa địa, Hài ngồi đốt nhang trước mộ cha mình và khóc.
truyện ngắn của Nguyễn Trọng Tín minh hoạ Hồng Nguyên
Nhận xét