Nghĩ về tết của người Việt
Nghĩ về tết của người Việt
SGTT - Trong cuốn sách giáo khoa về phong tục viết bằng chữ Hán có nhan đề Tiểu học Bản quốc phong tục sách hay còn gọi An Nam phong tục sách của cụ Mai Viên Đoàn Triển (1854 – 1919) có 61 đề mục, trong đó tác giả dành đến bảy đề mục để nói về tết Nguyên đán.
Trong hình ảnh ông đồ ngày tết của Việt Nam cũng có dấu hiệu “Bắc hoá”. Ảnh: TL
Sau khi đọc những diễn giải cặn kẽ về gốc tích các tập quán trong ngày tết như: giới thiệu tết, sửa sang mua sắm, lễ bái, lễ tết, lễ vật, thí sự, đối đãi, chơi xuân… chắc hẳn người đọc sẽ giật mình khi gặp những dòng này: “Xét tết Nguyên đán, nước nào cũng có, không thể thiếu được. Nhưng chỉ có ở nước ta, cúng tế đến bốn năm ngày thật là phiền nhiễu. Vả lại, vàng hương, giấy viết, đối liễn, pháo v.v. đều là hàng Bắc hoá (nghĩa là từ phương Bắc, chỉ Trung Quốc đưa sang), lãng phí rất nhiều. Hoặc có kẻ kiếm lợi bắt chước làm theo, thật chẳng khôn ngoan. Đến như nạn cờ bạc, càng là việc cần ngăn ngừa. Thiết nghĩ, hai ngày tất niên, Nguyên đán, thờ cúng tổ tiên và vui chơi cũng đủ rồi. Từ mùng hai trở đi có thể giảm bớt hoặc dừng lại. Đến như việc mua sắm vật dụng ngày tết hoang phí chỉ tổ làm cho của cải của mình rơi vào tay người ngoài” (trang 23, sách đã dẫn, Nguyễn Tô Lan dịch, NXB Hà Nội, 2008).
Giật mình bởi hai lẽ, từ một thế kỷ trước, chuyện lãng phí, chuyện xài “hàng Bắc hoá” trong dịp tết đã là một mối ám ảnh lớn đối với những trí thức, những người nhìn xa trông rộng. Phía sau nỗi ám ảnh “hiện tượng” đó, có một mối lo khác lớn hơn: nhìn thấy trong cái tết ở ta nhiều nghi thức, tập tục, sinh hoạt văn hoá dân gian thiếu cái riêng, chịu ảnh hưởng từ phong tục tết của “nước ngoài” một cách mù mờ.
Trong sách Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính (1875 – 1921) cũng viết về cái sự lôi thôi của những phong tục tập quán trong dịp “thưởng xuân” có gốc tích, ảnh hưởng nếp sinh hoạt từ “nước khác” như: nạn túm tụm bài bạc, lúc lắc thò lò, hội hè hát xướng ồn ào, tiêu xài hoang phí cho những hủ tục chẳng đâu vào đâu… Cụ Bính cũng viết: “Ở về tỉnh thành Sài Gòn, lâu nay nhiễm được tân hoá, mấy hôm tết nhiều nhà xử thanh đạm như thường. Ở Hà Nội, các người tân học cũng đã chán cái cách ăn tết của ta lắm, nhưng chưa mấy người khiết nhiên (“khiết” còn đọc là khế như trong khế ước, là hợp với nhau, hiểu rộng ra là chấp nhận; “khiết nhiên” là hợp với hoặc chấp nhận cái tự nhiên vốn có, là chịu vậy) đi được” (trang 55, sách đã dẫn, NXB Văn Hoá Thông Tin, 2005).
Sau câu chuyện phong tục tết nhất, vào thời đó, những trí thức như cụ Đoàn Triển, Phan Kế Bính đã đặt ra vấn đề về một thứ, tạm gọi là “ý thức chủ quyền” trong phong tục tập quán, mà ngày nay, chúng ta gọi là cái riêng, bản sắc. Có thể hiểu chủ quyền ấy là, thực hành phong tục tập quán thì phải nắm bắt gốc gác và kiểm soát được ngôn ngữ, ý nghĩa để không bị rơi vào tình trạng mù mờ nhận thức đến mức chịu nô dịch văn hoá; từ đó lấy chuyện bày biện, sắm sửa, lễ nghĩa, đàn đúm ồn ào làm vui mà quên mất đi ý nghĩa chia sẻ, hướng nội, lắng đọng và trải nghiệm thời gian của những ngày nghỉ đầu năm mới…
Tết thay vì tươi đẹp và đằm sâu, lại trở thành quãng thời gian phô bày sự bừa bãi và nhếch nhác trong đời sống xã hội.
Thế nên, người nghèo có nỗi lo tết của người nghèo, người giàu có nỗi lo tết của người giàu. Để chuẩn bị cho cái tết, phải đáp ứng đủ thủ tục cần thiết từ biếu xén đến lễ lộc. Ai cũng tất bật âu lo. Chẳng mấy ai an vui thư nhàn với tết. Ai cũng lo tết mà mấy ai thưởng thức tết và sống nhàn, nghỉ ngơi tận hưởng tết. Cái tết vì thế ngắn hơn và chóng vánh hơn với những cuộc vui lấy thước đo trên sự bề bộn vật chất, thường rộn rã nhưng trống rỗng nghĩa lý.
Lời nhắc nhở làm chủ tập quán, làm chủ quyền văn hoá qua phong tục tết Nguyên đán cách đây hơn thế kỷ đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhất là trong bối cảnh hiện đại, văn minh vẫn là câu hỏi thường trực đặt ra cho mỗi dân tộc. Và, với ý thức đòi hỏi, tự vấn văn minh, tự trọng và sáng suốt trong những hành xử văn hoá, phải biết đề kháng trước nguy cơ “ngoại xâm” (ngay từ những thứ gần gũi như tập quán, phong tục, nghi thức lễ tục… mà ta lầm tưởng là truyền thống); phê phán, sàng lọc những giá trị “truyền thống” sao cho hợp lý và thúc đẩy tiến bộ; thừa hưởng và sáng tạo những giá trị riêng làm giàu cho gia sản văn hoá đất nước và khơi gợi sự phong phú trong tâm hồn mỗi người…
Một cái tết đang đến rộn ràng, nhưng cần được nhìn dưới con mắt của lý trí điềm tĩnh để nhận ra phía sau sự lộng lẫy náo nức kia biết bao điều đáng để thao thức về truyền thống, sáng tạo và những giá trị văn hoá riêng của người Việt.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
theo : SGTTonline
SGTT - Trong cuốn sách giáo khoa về phong tục viết bằng chữ Hán có nhan đề Tiểu học Bản quốc phong tục sách hay còn gọi An Nam phong tục sách của cụ Mai Viên Đoàn Triển (1854 – 1919) có 61 đề mục, trong đó tác giả dành đến bảy đề mục để nói về tết Nguyên đán.
Trong hình ảnh ông đồ ngày tết của Việt Nam cũng có dấu hiệu “Bắc hoá”. Ảnh: TL
Sau khi đọc những diễn giải cặn kẽ về gốc tích các tập quán trong ngày tết như: giới thiệu tết, sửa sang mua sắm, lễ bái, lễ tết, lễ vật, thí sự, đối đãi, chơi xuân… chắc hẳn người đọc sẽ giật mình khi gặp những dòng này: “Xét tết Nguyên đán, nước nào cũng có, không thể thiếu được. Nhưng chỉ có ở nước ta, cúng tế đến bốn năm ngày thật là phiền nhiễu. Vả lại, vàng hương, giấy viết, đối liễn, pháo v.v. đều là hàng Bắc hoá (nghĩa là từ phương Bắc, chỉ Trung Quốc đưa sang), lãng phí rất nhiều. Hoặc có kẻ kiếm lợi bắt chước làm theo, thật chẳng khôn ngoan. Đến như nạn cờ bạc, càng là việc cần ngăn ngừa. Thiết nghĩ, hai ngày tất niên, Nguyên đán, thờ cúng tổ tiên và vui chơi cũng đủ rồi. Từ mùng hai trở đi có thể giảm bớt hoặc dừng lại. Đến như việc mua sắm vật dụng ngày tết hoang phí chỉ tổ làm cho của cải của mình rơi vào tay người ngoài” (trang 23, sách đã dẫn, Nguyễn Tô Lan dịch, NXB Hà Nội, 2008).
Giật mình bởi hai lẽ, từ một thế kỷ trước, chuyện lãng phí, chuyện xài “hàng Bắc hoá” trong dịp tết đã là một mối ám ảnh lớn đối với những trí thức, những người nhìn xa trông rộng. Phía sau nỗi ám ảnh “hiện tượng” đó, có một mối lo khác lớn hơn: nhìn thấy trong cái tết ở ta nhiều nghi thức, tập tục, sinh hoạt văn hoá dân gian thiếu cái riêng, chịu ảnh hưởng từ phong tục tết của “nước ngoài” một cách mù mờ.
Trong sách Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính (1875 – 1921) cũng viết về cái sự lôi thôi của những phong tục tập quán trong dịp “thưởng xuân” có gốc tích, ảnh hưởng nếp sinh hoạt từ “nước khác” như: nạn túm tụm bài bạc, lúc lắc thò lò, hội hè hát xướng ồn ào, tiêu xài hoang phí cho những hủ tục chẳng đâu vào đâu… Cụ Bính cũng viết: “Ở về tỉnh thành Sài Gòn, lâu nay nhiễm được tân hoá, mấy hôm tết nhiều nhà xử thanh đạm như thường. Ở Hà Nội, các người tân học cũng đã chán cái cách ăn tết của ta lắm, nhưng chưa mấy người khiết nhiên (“khiết” còn đọc là khế như trong khế ước, là hợp với nhau, hiểu rộng ra là chấp nhận; “khiết nhiên” là hợp với hoặc chấp nhận cái tự nhiên vốn có, là chịu vậy) đi được” (trang 55, sách đã dẫn, NXB Văn Hoá Thông Tin, 2005).
Sau câu chuyện phong tục tết nhất, vào thời đó, những trí thức như cụ Đoàn Triển, Phan Kế Bính đã đặt ra vấn đề về một thứ, tạm gọi là “ý thức chủ quyền” trong phong tục tập quán, mà ngày nay, chúng ta gọi là cái riêng, bản sắc. Có thể hiểu chủ quyền ấy là, thực hành phong tục tập quán thì phải nắm bắt gốc gác và kiểm soát được ngôn ngữ, ý nghĩa để không bị rơi vào tình trạng mù mờ nhận thức đến mức chịu nô dịch văn hoá; từ đó lấy chuyện bày biện, sắm sửa, lễ nghĩa, đàn đúm ồn ào làm vui mà quên mất đi ý nghĩa chia sẻ, hướng nội, lắng đọng và trải nghiệm thời gian của những ngày nghỉ đầu năm mới…
Tết thay vì tươi đẹp và đằm sâu, lại trở thành quãng thời gian phô bày sự bừa bãi và nhếch nhác trong đời sống xã hội.
Thế nên, người nghèo có nỗi lo tết của người nghèo, người giàu có nỗi lo tết của người giàu. Để chuẩn bị cho cái tết, phải đáp ứng đủ thủ tục cần thiết từ biếu xén đến lễ lộc. Ai cũng tất bật âu lo. Chẳng mấy ai an vui thư nhàn với tết. Ai cũng lo tết mà mấy ai thưởng thức tết và sống nhàn, nghỉ ngơi tận hưởng tết. Cái tết vì thế ngắn hơn và chóng vánh hơn với những cuộc vui lấy thước đo trên sự bề bộn vật chất, thường rộn rã nhưng trống rỗng nghĩa lý.
Lời nhắc nhở làm chủ tập quán, làm chủ quyền văn hoá qua phong tục tết Nguyên đán cách đây hơn thế kỷ đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhất là trong bối cảnh hiện đại, văn minh vẫn là câu hỏi thường trực đặt ra cho mỗi dân tộc. Và, với ý thức đòi hỏi, tự vấn văn minh, tự trọng và sáng suốt trong những hành xử văn hoá, phải biết đề kháng trước nguy cơ “ngoại xâm” (ngay từ những thứ gần gũi như tập quán, phong tục, nghi thức lễ tục… mà ta lầm tưởng là truyền thống); phê phán, sàng lọc những giá trị “truyền thống” sao cho hợp lý và thúc đẩy tiến bộ; thừa hưởng và sáng tạo những giá trị riêng làm giàu cho gia sản văn hoá đất nước và khơi gợi sự phong phú trong tâm hồn mỗi người…
Một cái tết đang đến rộn ràng, nhưng cần được nhìn dưới con mắt của lý trí điềm tĩnh để nhận ra phía sau sự lộng lẫy náo nức kia biết bao điều đáng để thao thức về truyền thống, sáng tạo và những giá trị văn hoá riêng của người Việt.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
theo : SGTTonline
Nhận xét