BOLERO



Bolero lại sáng đèn
TT - Bolero cũng như cuộc đời, có lúc chìm lúc nổi, lúc bị chê bai, nhưng cũng có lúc được xưng tụng như điều không thể thiếu. Giữa đời sống âm nhạc nhiều xáo trộn vẫn có một lớp ca sĩ trẻ chọn bolero làm sự nghiệp.

Cát Tiên và Huỳnh Thật  - Ảnh: T.K.
Kỳ 1:  Hát theo nhịp buồn
Xuất thân là một cô giáo ở trường tiểu học, Cát Tiên vẫn hay hát nghêu ngao những giai điệu nào vẳng lên trong đầu như một thói quen sau các buổi dạy. Và thật lạ, cái ngày mà Cát Tiên nhận ra những bài hát mình thích và hay hát luôn là những câu hát của dòng bolero.
Không phải hằng năm mà là hằng tháng, hằng tuần vẫn có những cô gái, chàng trai... rụt rè tìm đến một nơi nào đó để gửi niềm tin, hi vọng có được một ngày cất tiếng hát theo mơ ước của mình.
Những ngày hoa mộng
Hát cho mình, và hát cho người là ngàn câu chuyện của các tín đồ bolero từ khi dòng nhạc này khởi sự ở miền Nam. Trong bài Đập vỡ cây đàn, tác giả Tùng Vân và Tuyết Sơn có ghi lại hết sức cô đọng: “Em bảo tôi rằng, anh đi học đàn. Để đàn theo lúc em ca, những ngày hoa mộng đời ta...”.
Sài Gòn vào thập niên 1950-1960, những lò luyện “gà” ca hát thường là những thầy nhạc và thầy đờn có kinh nghiệm, biết cách bẻ giọng hát theo những kiểu luyến láy đặc biệt mà chỉ bolero mới có. Những cách thả chữ, xuống câu... luôn là phương thức để đánh giá trình độ hát và năng khiếu của người ca sĩ. Do đó Sài Gòn mới hình thành những cái tên khó ai quên như “nữ hoàng sầu muộn Giao Linh”, đã hát là như níu tim người vò xé; hay “con nhạn trắng Gò Công” Phương Dung, tiếng hát bay bổng và dìu dặt khó quên.
Phương thức của các danh ca bolero ngày xưa là tập hát các bài thành danh của các đàn chị và mài cho bén một bài hát để đóng đinh sự nghiệp của mình. Một bài hát, các ca sĩ ngày xưa hát đi hát lại, hát đến muốn xỉu mà thầy chưa cho nghỉ, rồi lại phải tìm cách hát cho ngọt, cho khác lạ... để có được cái riêng, mở đường cho đời mình. Bởi vậy, đã nghe Nỗi buồn hoa phượng thì phải nhớ Thanh Tuyền, giọng hát như con ve khóc hờn; mà nghe Thành phố buồn thì phải nhớ Chế Linh, hát như thở lần cuối, rụng rời.
Nhiều chục năm sau, Sài Gòn vẫn cứ vậy, những cô gái như Cát Tiên lại tìm đến ánh đèn màu, lơ ngơ và cất tiếng hát, chất chứa muôn ngàn hi vọng. “Những bài hát ở miền Nam này cứ ám ảnh, làm tôi thích vô cùng mà không hiểu tại sao mình thích, dù tôi sinh ra ở miền Bắc”, Cát Tiên kể. Cô gái này cũng nói nhiều người khuyên cô nên hát nhạc trẻ hoặc tiền chiến sẽ dễ “lên” hơn, nhưng thật khó nói, trái tim của cô đã theo nhịp bolero mất rồi.
Lệ Quyên - Ảnh: GIA TIẾN
Học một nghề và đợi một cơ hội
Tương tự Cát Tiên, Huỳnh Thật - một giọng ca nam đến từ Long An - cũng mày mò tìm đường đến bolero theo kiểu cất tiếng hát cầu may. Và họ là những người hết sức may mắn trong hằng hà sa số ca sĩ trẻ đang mộng làm nghệ sĩ. Một phòng trà ở quận 3, TP.HCM, với ông chủ trẻ cũng là một người mê bolero, đã nhận thấy chất ngọt ngào và thu hút rất đặc biệt từ hai giọng ca này và ký độc quyền với họ trong một thời gian dài.
Có thể tạm gác lại những ngày mơ hồ và mong manh với công việc, đôi bạn trẻ đang dành toàn thời gian để trau chuốt cho sự nghiệp của mình giữa một thị trường nan giải với bài toán khó trước ưu thế của các nghệ sĩ phấn son nhảy múa, quần áo và ngôn từ đẹp hơn là khả năng chinh phục người nghe bằng tiếng hát lời ca. “Tôi giữ tên mình là Thật, như là nghệ danh, vì chỉ muốn mình hát thật, tình cảm thật để sống với nghề”, Huỳnh Thật nói, giọng vẫn “bẹt” và chơn chất như của bao người miền Tây.
Đó là cách vào nghề đầy tính truyền thống của một lớp ca sĩ phía Nam, chọn một nơi để đầu quân, chọn một nơi để học nghề và đợi một cơ hội.
Cách thức đó từng làm nên không biết bao nhiêu tên tuổi của dòng bolero thế hệ sau mà không thể không nhắc tới: Ngọc Sơn, Đình Văn, Thạch Thảo, Hạnh Nguyên, Thùy Trang, Cảnh Hàn, Hà Phương, Trần Sang... Tuy có lúc các phòng trà, quán bar từ chối thẳng thừng những người hát dòng nhạc này vì coi đó là “rẻ tiền”. Chỉ có tụ điểm văn hóa, các đoàn ca nhạc đi tỉnh... mới là nơi nâng đỡ họ.
“Sang” hơn và mãnh liệt hơn
Rồi thời gian đi qua, sức hút của bolero lan dần và buộc các quán cà phê nhỏ, quán bar, thậm chí ngay cả những chương trình ca nhạc thuộc hàng lớn nhất nhì của cả nước cũng phải thay đổi thái độ và chào mời những ca khúc, những con người của thể loại này.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng một lớp nghệ sĩ mới, mang đầy những chuyển động cách tân âm thầm, khiến bolero đột nhiên “sang” hơn và tỏa lan sức hút mãnh liệt hơn. Chính điều đó khiến các nhà sản xuất, các nơi biểu diễn phải hối hả tìm lại và mời mọc.
Khó ai có thể nói hát như Quang Lê là đơn giản như nhạc “sến” của nhiều thập niên trước, hoặc khó mà tìm được một giọng hát thanh thoát, đẹp và biểu trưng cho bolero thời nay như Mai Thiên Vân. Thậm chí với Lệ Quyên, với cách pha trộn kiểu hát giọng Bắc hơi Nam, bỏ vào một ít kỹ thuật của phong trào thanh nhạc hôm nay, cũng đã làm nên một làn sóng thưởng thức mới, gom hết phần khán giả khó tính còn lại vào thánh đường cách tân của bolero.
Sân khấu bolero lại sáng đèn, những ca sĩ của bolero một lần nữa lại bừng lên niềm tin rằng họ đã chọn không sai đường. Những người sáng tác cho dòng nhạc này lại tự tin và chắc tay hơn. Và bolero hơn bao giờ hết, lại dìu dặt với niềm kiêu hãnh phong lưu phố thị của mình.
Bolero cũng tạo ra làn sóng trên Internet
Không phải ai từ đầu cũng tự nhận ra mình thích hợp với bolero, Đoàn Minh là một ví dụ. Nhiều năm trước yêu ca hát nhưng lại không hề biết mình có thể sống được với loại nhạc chậm rãi và đầy tình cảm này, Minh từng tham gia một nhóm nhạc nam chuyên hát nhạc dance và hip hop.
Rồi đột nhiên khi tự mình hát thử vài bài như Lá thư cuối cùng (Mộng Long), Giã từ (Tô Thanh Tùng), Đoàn Minh quyết định chọn một con đường mới dù không biết sẽ về đâu. Tương tự những hiện tượng được tìm thấy của giới nhạc trẻ trên Internet, tuy không ồn ào, nhưng album riêng của Đoàn Minh mang tên Tình tri âm (ảnh) đã tạo nên một làn sóng thắc mắc về cái tên Đoàn Minh, một giọng ca bolero mới ngọt ngào và sang trọng. Minh cũng lập nên những kỷ lục của mình như bản ghi âm Lá thư cuối cùng có tới gần 400.000 lượt nghe và tải về. “Chậm, nhưng cuối cùng Minh cũng đã tìm thấy điều gì mình cần theo đuổi đến suốt đời”, Đoàn Minh nói.
Ảnh tư liệu
TUẤN KHANH

Dù “sến” hay “sang”...
TT - Muôn dặm đời người, ít có ai là người VN mà chưa một lần nghe hoặc ong ong trong đầu một câu ca của dòng nhạc bolero, đặc biệt là những người sống ở phía Nam.


Những nữ ca sĩ thành danh của dòng nhạc bolero. Từ trái qua: Hương Lan, Phương Dung và Giao Linh - Ảnh: T.T.D. - Gia Tiến

Bolero len lỏi vào cuộc đời và nhịp sống của người dân đô thị theo một kiểu khác, với những người ở thôn quê theo một kiểu khác; nhưng bất luận đó là kiểu nào, âm điệu chập chùng và gần gũi của bolero đều ăn sâu vào sự thưởng thức của nhiều thế hệ, một cách độc đáo đến mức mà có lẽ cần phải có một nghiên cứu khoa học chỉn chu mới có thể nói hết được tác động của loại âm nhạc này với tâm hồn Việt.
Vì sao "sến"?

Khác với rất nhiều kiểu âm nhạc mà người Việt từng thưởng thức, bolero phần lớn là những câu chuyện kể hồn nhiên, là những sự chia sẻ cảm giác của mình về tình yêu, về cô đơn, về số phận giàu nghèo, may rủi, tình bạn bè... Sự đa dạng trong đề tài của bolero là một trong những yếu tố mạnh mẽ để người ta có thể gióng giọng hát hàng giờ không biết chán với một guitar thô hoặc "nghèo" hơn thì gõ muỗng.
Một trong những tìm hiểu về bí ẩn của bolero là nhịp điệu. Khi chuyển hóa từ thể loại nhạc bolero gốc của âm nhạc Latin như một loại nhạc khiêu vũ chịu ảnh hưởng nhiều từ các hình thức của những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha và biến thể của người Cuba sang VN, nhịp điệu chậm dần và hòa hợp với tính cách của người Việt theo một kiểu rất riêng. Rất thú vị, nếu chỉ cần chú ý, người chơi bolero VN sẽ tìm thấy nhịp điệu tương đương 60 (bpm) của dòng nhạc này trùng hợp hết sức ngẫu nhiên và độc đáo với các bài ca cổ, cải lương - vốn là thứ "khoái khẩu" của dân Nam bộ.
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta có một thời gian dài gọi bolero - tên gọi gần như được định hình khoảng ba năm nay - là nhạc "sến".
Ðã có rất nhiều tranh cãi và giả thuyết về cái tên khó hiểu này. Tuy nhiên, giả thuyết hợp lý và đủ các chứng cứ nhất vẫn thuộc về chuyện gọi nhại theo tên của minh tinh màn bạc người Áo là Maria Schell (1926-2005).
Lý do của việc nhại theo này là kết quả của sự châm biếm của nhà báo Tuấn Huy, viết cho tạp chí Kịch Ảnh.
Sài Gòn những năm 1950 và 1960, là thời di cư của rất nhiều thanh niên thiếu nữ từ thôn quê lên thành thị mưu sinh, bao gồm làm lái xe, người ở, bán báo, chạy bàn... Ðó cũng là thời sính Tây, không ít anh chị tự đặt tên cho mình như Tí Clark Gable, Hường Claudia Cardinale... Những chủ nhật, lớp người trẻ này hẹn hò nhau và cùng thảo luận về những cuốn phim diễm tình đầy nước mắt của nữ diễn viên Maria Schell, người từng được báo chí Ðức mệnh danh là nữ diễn viên thế hệ trước chiến tranh, lừng danh là có lối diễn xuất "cười vui mà như lòng nhỏ lệ". Những cuốn phim này lúc đó cũng làm thổn thức nhiều trái tim nam nữ, không kém đợt sóng của nữ sĩ Quỳnh Dao (Ðài Loan) vào thập niên 1960-1970.
Cười vào một lớp người học đòi và hay trải lòng chuyện yêu đương của mình một cách dễ dãi và cũng hay tự bi kịch hóa hoàn cảnh của mình, tác giả Tuấn Huy, trong một số báo vào năm 1963, đã là người đầu tiên chuyển chữ Maria Schell này để gọi các cô là "Mari Sến". Và chữ "sến" này dần dần được chỉ đến các bài hát rất ảo não thời đó về chuyện tình đôi lứa, đặc biệt qua tiếng hát của Chế Linh hay Hùng Cường...
Nhưng đó chỉ là một giai đoạn của âm nhạc bolero, khi bị áp đặt cho cái tên "sến", mặc dù nhiều ca khúc của dòng nhạc này mỗi lúc một trở nên sang trọng, độc đáo hơn và thấm sâu vào đời sống của từng con người hơn.
Một phong vị độc đáo
Ngay cả những lớp người theo Tây học, luôn tự cho mình là sang vẫn không giấu được sự thích thú khi tự mình hát lên một bài hát bolero một giây phút nào đó. Bolero như di chuyển vào từng mạch máu, từng thớ thần kinh và ngắt đoạn mọi suy nghĩ đưa người ta vào một thế giới thanh thản của hiện tại, đặc biệt là gợi lại muôn vàn ký ức trong quá khứ, dù đó là đắng cay hay mộng đẹp.
Thích hay không thích nhạc "sến" đó là chuyện của mỗi cá nhân, nhưng không có nó, các đô thị miền Nam thiếu hẳn chất "giang hồ" của con người Nam bộ bên bàn nhậu, thiếu hẳn một phong vị độc đáo như linh hồn của đời, của phố, của người.
Nhạc "sến" thì ai ca cũng được, nhưng để là một danh ca bolero thì không phải đơn giản. Tiếng hát của dòng nhạc này lúc thì đòi hỏi phải nhiều kỹ thuật, nhưng cũng có lúc chỉ cần một cái hồn sẻ chia, bất chấp các chi tiết yêu cầu của thanh nhạc.
Ðiều thú vị nhất là các ngôi sao giả, hát nhép, đẹp và hát dở... không bao giờ có thể bước vào dòng nhạc bolero này. Và thậm chí danh ca bolero mỗi khi cần phải hát nhép để thu hình, đối với họ cũng là một cực hình.
Cũng như cuộc đời, bolero có lúc chìm lúc nổi, lúc bị chê bai, nhưng cũng có lúc được xưng tụng như dòng nhạc dễ nhớ nhất của tất cả mọi người. Nhưng mặc cho dòng đời xô đẩy, bolero vẫn dìu dặt ở từng góc cầu cho đến sân khấu lớn, không bao giờ có thể mất đi trong sự rung động của trái tim người yêu nhạc, đặc biệt là niềm tự hào là một mảng văn hóa hết sức độc đáo của miền Nam.
Bolero hay boléro?

Với khuynh hướng Tây học, nói theo tiếng Pháp, boléro có thêm dấu sắc, nhưng hoàn toàn tương tự như bolero nói theo tiếng gốc Tây Ban Nha, tên gọi này nhằm mô tả một loại âm nhạc lãng mạn, hơi chậm và mượt mà. Khuynh hướng bolero của Tây Ban Nha có phần nhanh hơn ở Cuba.
Bolero khởi đầu là một loại nhạc khiêu vũ ở Tây Ban Nha và du nhập thịnh hành ở Cuba từ những năm 1800. Người sáng tạo ra điệu nhảy bolero là một vũ sư người Tây Ban Nha, tên Sebastian Cerezo, với những buổi giới thiệu điệu nhảy này đầu tiên vào năm 1780.
Ðến VN, thịnh hành ước chừng vào những năm 1940-1950, điệu bolero chuyển hóa thành một thể thức của VN với nhịp điệu chậm rãi và dìu dặt hơn, trong khi bolero ở bên ngoài có nhịp 3/4 thì người Việt biến thành 4/4 và tạo ra những âm điệu riêng. Cho tới nay, nhiều người trong giới sáng tác vẫn cho rằng người viết tân nhạc điệu bolero đầu tiên có lẽ là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, vào năm 1950, với bài Duyên quê.

TUẤN KHANH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến