DÒNG CHẢY BOLERO TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT _ 3
Bài cuối: Bolero là cách kể chuyện đời
SGTT.VN - Không đâu như ở miền Nam, những cuộc trò chuyện chè chén thân mật thường dẫn về chuyện hát đôi ba bài nhạc “sến”, hoà giọng cùng nhau – và không cần ai bày tỏ nhiều lời với ai – âm nhạc đã dẫn lối để mọi cánh cửa lòng được rộng mở – y như cái cách người dân miền Tây phanh ngực áo, ngó ra sông, hát ong ỏng nỗi niềm không cần khán giả.
Tuấn Vũ và Giao Linh góp mặt trong liveshow nhạc bolero của Quang Lê tại TP.HCM. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
|
“Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở” – thật lòng với đại đa số khán giả của bolero đều ở cùng một “đẳng cấp” như vậy. Và chính vì tính chất bình dân đó, mà bolero bình đẳng, dung dị chở hết mọi cảm xúc của con người theo nhịp điệu. Từ đó tạo nên một dòng nhạc bất hủ, sản sinh từ miền Nam Việt Nam: không chỉ thưởng thức và còn thúc giục người nghe hoà điệu vào bất cứ lúc nào. Biết hát là hay, và biết cầm nhịp cho trọn một bài đã là không dở. Có loại âm nhạc nào dễ mến và độ lượng như bolero vậy đâu?
Hương vị của quê nhà với nhịp điệu bolero không thể lẫn vào đâu được. Khi thì ở bến tàu, gầm cầu, trên sông hay vỉa hè... tiếng đàn chập chùng thô sơ của người hát, kèm theo tiếng gõ bàn, gõ đũa... trở thành một cảm giác rất miền Nam, rất Sài Gòn, không ở đâu có thể sánh bằng. Đó cũng có thể là lý do mà hàng triệu người Việt xa quê, làm gì thì làm, vẫn chuộng âm điệu và lời hát bolero để thưởng thức, dù bên cạnh mình có không biết bao nhiêu điều kiện thuận lợi để đến với rock, với pop...
Mượn lời ca tiếng đàn để hát, để mơ hồ lạc vào một thế giới khác hân hoan hơn, đó là cách bolero đến từng người, từng nhà. Có một thứ công thức “ma tuý” tổng hợp, lành và đáng yêu, đó là chút chất cay, cây đàn và bolero, mà con người có thể trải lòng về quá khứ hay lãng quên trần thế. Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, sống ở nước ngoài, có lần kể rằng thi thoảng ông nghe ai đó hát bolero mộc mạc, lại dội lên cảm giác nhớ quê nhà, nhớ đến mức muốn trào nước mắt.
Trong nghệ thuật phân tích tâm lý âm nhạc của người Nga, mọi thể loại cần có ba trụ cột: đó là người sáng tác, người biểu diễn và khán giả. Ba trụ cột đó luân chuyển theo vòng tròn. Người sáng tác phải đủ tài để tạo cảm hứng cho người biểu diễn,và cả hai thứ đó phải đủ mạnh để chuyển một niềm ngẫu hứng đến cho khán giả. Và từ đó tác động ngược lại đến người sáng tác cho công trình tiếp theo.
Rất vô tình và độc đáo, bolero có đủ cả những yếu tố truyền kỳ đó. Người chơi nhạc thuộc lòng các bài hát và khán giả thì luôn hứng khởi chỉ chực hát theo giai điệu hay câu chuyện đang được trình bày. Âm nhạc lúc đó chỉ còn là những câu chuyện kể, mà khán giả, người nhạc sĩ, người nghệ sĩ không chỉ hát kể chuyện cho người nghe, mà còn như là kể chuyện đời cho chính mình, trong sự kết nối miên man khó tả.
TUẤN KHANH
Các sản phẩm âm nhạc bolero thành công bất ngờ là album vol.1 Đường xưa lối cũ và vol.2 Đường xưa lẻ bóng của “ông hoàng nhạc sến” Tuấn Vũ cùng em trai Viết Thanh. Đại diện Tuấn Trinh Production – đơn vị thực hiện hai album trên cho biết, chỉ trong vòng hai tháng phát hành, CD Đường xưa lối cũ đã tiêu thụ hơn 6.000 bản, CD Đường xưa lẻ bóng sau hơn ba tuần phát hành đã tiêu thụ hơn 3000 bản. Không chỉ có các giọng ca hải ngoại mặn mà với bolero mà ca sĩ trẻ Việt Nam cũng “dấn thân” với thể loại nhạc này. Sau Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng… là thế hệ ca sĩ trẻ Lệ Quyên, Hoàng Minh lần lượt giới thiệu đến khán giả các album.
TR. ANH
Ai không từng là một sinh viên nghèo đêm đêm cặm cụi đèn sách trên gác trọ ngoại ô. Ai không từng là một cư dân đến Sài Gòn lập nghiệp với bàn tay trắng. Ai không từng có một mối tình rụt rè, thổn thức trong xóm nhỏ nghèo nàn… Dòng ca khúc bình dân ấy phản ánh chính đời sống, nỗi niềm của những con người tay trắng khi chưa trở thành thị dân, hay cho dù đã sống với đô thị. Nỗi buồn, nỗi cô đơn mang mặc cảm quê nghèo mãi còn trong tâm thức. Dòng nhạc ấy an ủi, chia sẻ với tâm hồn họ. Nó vẫn theo mãi cho dù có người nay đã là trí thức, doanh nhân thành công.
Có người nhận định: phân biệt nhạc “sang” hay “sến” dễ lắm. Âm nhạc hàn lâm, sang trọng không kể lại điều gì, nó chấm phá những nét trừu tượng mang tính mỹ học để làm rung động tâm hồn. Ca khúc bolero luôn kể lại một câu chuyện. Hàn Mặc Tử, Chuyện tình Lan và Điệp, Hoa trinh nữ, Căn nhà ngoại ô… luôn có một câu chuyện, luôn là một câu chuyện. Nó gần gũi vì nó kể chuyện.
Hơn nửa thế kỷ của âm nhạc Việt Nam. Dòng nhạc bolero này thường được nằm ngoài những nhận định học thuật. Nhưng nó vẫn cứ lắng sâu trong tình cảm của đại bộ phận công chúng mà lạ thay không chỉ là những người bình dân như cách nghĩ ngỡ rằng như thế.
ĐỖ TRUNG QUÂN
|
Nhận xét