ĂN CHƠI PHẢI SƯỚNG _1

Ăn chơi phải sướng - Phần I 
Người gửi: admin - 04/06/2011 - Chuyên mục: Trao đổi kỹ thuật
Lần xem: 23537 | Đánh giá:
  • Bình chọn
  Bình chọn: 4.4 điểm / 7 đánh giá
 In trang này
Ăn chơi phải sướng hay các mức độ của nhà nhiếp ảnh Việt Nam. Bài tổng hợp của bác JamesDuong trên VNPhoto trong vòng 1 năm qua. Dạo này JD chả chụp choẹt gì mấy, có đôi chút thì giờ làm thử 1 bài tư vấn để giúp đỡ anh em những lúc khó khăn về tinh thần khi chọn mua đồ chơi và cũng để chúng ta tổng kết sơ qua quá trình và kinh nghiệm chơi đồ hàng.

Thực tế thì kinh nghiệm của JD cũng không có bao nhiêu nhưng JD nghĩ cũng đu đủ để có thể chia sẻ với anh em, giúp đỡ cho dân tinh ăn chơi cho đúng cách. Phần lớn chúng ta, nếu không muốn nói là tất cả, ban đầu khi đến với nhiếp ảnh đều xuất phát từ thú vui, nói cách khác là chơi ảnh. Như anh Hairy Tĩnh trong box phim nói 1 câu mà JD rất tâm đắc, 'ăn chơi thì cách chơi là rất quan trọng'. JD xin sửa 1 chút cho thật chính xác, "Ăn chơi thì phải sướng". Chơi cái gì cũng phải biết cách, nếu không sẽ trở thành 1 dạng đú bẩn, tốn tiền và tốn thời gian, tưởng là sướng nhưng đéo sướng, hoặc cũng sướng nhưng không thể cực khoái, kiểu nửa mùa.

Cho nên, "Ăn chơi phải sướng" sẽ đi theo tiêu chí giá tiền hiệu năng, hiệu quả cao nhất so với đồng tiền bỏ ra. Cái này không những áp dụng cho anh em chơi bời mà còn ít nhiều có thể tham khảo cho các cụ thợ ảnh hay các em mới vào nghề kiếm tiền.

Trước khi đi vào bài vở thì JD muốn chúng ta cùng chung 1 quan điểm với nhau: "chơi ảnh không chơi máy". Bức ảnh sau cùng phải có giá trị sung sướng cao nhất. Bức ảnh là thước đo chính xác nhất của độ sướng. Tất nhiên, cảm giác chụp ảnh, cảm giác lang thang, cảm giác nọ, cảm giác kia cũng là cái sướng nhưng chúng không thể vượt qua được bức ảnh sau cùng. Nhiều ông nhan nhản kêu "ảnh đẹp xấu quan trọng chó gì, được cầm máy lang thang là sướng rồi." Ờ, đến lúc về nhà cắm thẻ vào máy, ảnh như cục cứt xem có sướng được nữa không. Tất nhiên, mỗi người một suy nghĩ, nhưng JD thấy cái suy nghĩ đấy rất dởm đời, thậm chí là bốc phét. Thể loại đấy không nên đọc tiếp. Đối với JD và nhiều bác, bức ảnh sau cùng chính là giai đoạn cực khoái, là giây phút thăng hoa. Nói thật với các bác, có nhiều assignment JD phải chụp, lúc chụp chán bỏ mẹ, chả thấy sướng chỗ nào, nhưng khi về nhà, có được bức ảnh đẹp và đúng ý mình thì niềm vui cứ dạt dào. Chụp ảnh làm gì khi chúng ta không quan tâm đến ảnh.

Muốn sướng, muốn ảnh đẹp thì phải trau dồi kiến thức. Thiết bị xét cho cùng cũng chỉ để hỗ trợ thôi. Cái này biết rồi khổ lắm nói mãi, nhưng có mấy ai thực hiện được ?!?!!? Thay vì mỗi ngày bỏ ra 1 tiếng để thẩm du thiết bị thì chỉ cần bỏ ra 15 phút lang thang dpreview, nikonrumor, còn 45 phút nên mò vào five prime flickr, flickriver, và google những giáo trình dạy chụp ảnh, đặc biệt về ánh sáng. Đồng ý chơi thiết bị cũng có cái sướng, nhưng cái sướng đấy so với cái sướng chụp được ảnh đẹp thì không so nổi. Sướng vì ảnh đẹp là cái sướng vĩnh cửu, sướng riêng của bản thân. Ai cũng có thể mua thiết bị để sướng, nhưng không phải ai cũng có thể chụp ra ảnh đẹp để sướng đâu.

Nói dông dài để thống nhất tinh thần là thế, bố nào thấy không vừa ý thì thoát ra ngoài luôn, ông nào nhất trí thì chơi tiếp. JD sẽ không bao giờ khuyên các bác đi theo lộ trình nào cả. Bản thân JD cũng đã từng đi theo lộ trình, rất ngu và phí tiền, chỉ béo mấy thằng bán máy. Có bao nhiêu thì chơi bấy nhiêu, đừng bao giờ "cố thêm tí, thêm tí nữa, sau này sẽ đổi lên ...". Không sướng được đâu !!!

Theo kinh nghiệm của JD cùng những bài học ngu nhưng đầy thấm thía, JD hy vọng các anh em sẽ tránh những bãi cứt mà JD đã dẫm phải để có thể đi thênh thang trên đại lộ ảnh sướng. Trước khi mua sắm, chúng ta phải xác định chúng ta là đối tượng nào, từ đó có thể suy ra nhu cầu. Mỗi đối tượng sẽ có nhu cầu khác nhau, thậm chí cùng 1 đối tượng sẽ có nhiều nhu cầu. Nhìn trước nhìn sau, nhìn trái nhìn phải, JD thấy xung quanh mình có những đối tượng này:

1. Những ông bố trẻ.
2. Các cháu dậy thì.
3. Tuổi già ham chơi.
4. Niềm vui chợt đến.
5. Làm nghề tay trái.

Tất nhiên sẽ có những đối tượng khác nữa nhưng 5 đối tượng này là chủ đạo. Với 5 đối tượng này thì sẽ có những nhu cầu chụp ảnh sau:

1. Gia đình vợ con bạn bè.
2. Phong cảnh thiên nhiên thơ thẩn.
3. Đời thường lang thang.
4. Gái teen xóa phông.
5. Có tiền bấm mạnh.

Khi đã xác định được mình thuộc đối tượng nào và có nhu cầu gì thì chúng ta sẽ bàn đến vấn đề tiền nong, có bao nhiêu để đầu tư, quan trọng hơn là máu đến đâu.

Về vấn đề chia theo nhu cầu hay đối tượng để tư vấn thì hơi chung chung. Với tiêu chí hiệu quả giá tiền thì JD sẽ chia theo phân khúc đồng tiền để tư vấn cho dễ.

I. $1000USD
1. Những ông bố trẻ (đã tư vấn ở trang 1)
2. Các cháu dậy thì (đã tư vấn ở trang 1)


II. $2000


1. Niềm vui chợt đến (nghệ sĩ tự phát)
2. Tuổi già ham chơi
3. Làm nghề tay trái

III. $3000

1. Niềm vui chợt đến
2. Làm nghề tay trái


IV. $5000

1. Niềm vui chợt đến
2. Làm nghề tay trái


Định nghĩa:


1. Những ông bố trẻ: 

Đối tượng: mới có con nên cần mua máy chụp cho con yêu

Nhu cầu: con cái, gia đình, du lịch

Định hướng: gọn nhẹ, dễ dùng và giá rẻ


2. Các cháu dậy thì :

Đối tượng: lún phún lông chim, có thể đua đòi, có thể yêu thích, cũng có thể cưa gái

Nhu cầu: bạn bè, gái teen xóa phông, tụ tập

Định hướng: giá rẻ nhất


3. Niềm vui chợt đến

Đối tượng: biết chụp khi tuổi lỡ cỡ, mới phát hiện ra máu nghệ ẩn chứa

Nhu cầu: đa dạng

Định hướng: giá trị từ trung bình đến rất cao, nhiều loại thiết bị, tùy vào độ máu


4. Tuổi già ham chơi

Đối tượng: tuổi xế chiều thấy niềm hứng thú

Nhu cầu: con đàn cháu đống, bạn già hội họp

Định hướng: gọn nhẹ và tiện lợi


5. Làm nghề tay trái

Đối tượng: biết chụp biết chơi

Nhu cầu: kiếm xèng cùng thú vui

Định hướng: hiệu quả cao nhất


=======================================================

1. Xung quanh $1000

Với khoản tiền này thì phần đông đối tượng sẽ là các ông bố trẻ mới có con và các cháu dậy thì mới mọc lông chim. Có những người chả biết ảnh ọt gì nhưng đến khi có con thì máu chụp ảnh nổi lên như động giật, nhất là để chụp đứa con bé bỏng mới ra đời của mình. Đối tượng các bố trẻ thực sự rất đông. Ngay như trong gia đình của JD cũng đã xuất hiện vài thành phần bố trẻ có nhu cầu chụp ảnh con yêu. Mặc dù ông bà nội ngoại cũng có nói: "có chú JD chụp ảnh kia kìa, bảo chú chụp cho, mua máy làm gì." Nhưng thực tế là chú JD không phải lúc nào cũng rảnh, quan trọng hơn là cái cảm giác được chụp ảnh trực tiếp cho đứa con yêu của mình mỗi tối, mỗi tuần đi chơi, xem nó lớn lên hàng ngày theo những bức ảnh là một cảm giác vô giá. Ông bố trẻ nào chưa mua máy thì nên khẩn trương đi nhé, kể cả trong nhà có ông chú hay ông cậu biết chụp ảnh đi chăng nữa. Vì chỉ chụp con cái và gia đình chủ yếu, các bố không cần đầu tư nhiều, kể cả có nhiều tiền. Đơn giản, ngoài các bố ra, còn có các mẹ cũng muốn chụp ảnh cho con yêu của mình, đầu tư nhiều tiền máy D700 hay D3 thì các mẹ sức đâu mà cầm. Cuối tuần đi biển cầm máy nhẹ nhàng mới khả thi, ôm bom tấn đi chơi lang thang thì sức đâu ??? Cho nên $1000 là đủ.

Bên cạnh các ông bố bà mẹ, đối tượng chỉ nên bỏ ra $1000 là các cháu dậy thì lún phún lông chim. Tuổi của các cháu là cả thèm chóng chán, chắc chắn cũng sẽ có cháu chơi ảnh lâu dài, thậm chí kiếm tiền bằng ảnh, nhưng khả năng đó quả thật không rõ ràng. Nhiều cháu mua máy chỉ để đú với bạn bè, hoặc chỉ để sĩ với cô bạn xinh xinh cùng lớp. Các cháu cũng chưa kiếm ra tiền. Chú nghĩ, bỏ ra $1000 để mua máy là quá đủ cho các cháu rồi, kể cả bố mẹ các cháu có là đại gia hay cốp cáp gì đi nữa. Đề phòng trường hợp các cháu chán ảnh, không chơi nữa thì gia đình cũng không mất quá nhiều tiền. Hồi chú bằng tuổi các cháu còn không dám mua máy DSLR, bố cho máy gì thì dùng máy đấy thôi. Sau này thời sinh viên mới dám bỏ ra $800usd để đầu tư.

Chốt lại, với 2 đối tượng này thì $1000 là quá đủ, thậm chí có thể ít hơn nữa cũng được. Với chi phí này thì các bố với các cháu chỉ có thể chơi dòng entry level. Nhưng đừng nghĩ nó thấp kém nhé, D40 chú vẫn có thể kiếm tiền phè phè. Hơn nữa, nó rất lợi hại cho các bố mang đi du lịch với gia đình, các mẹ cũng dùng đựoc dễ dàng và các cháu dậy thì cũng tiết kiệm tiền cho gia đình.

Với dòng entry level thì chúng ta nên mua sắm như thế nào ? Tốt nhất cứ bám vào Ni-Ca cho nó lành, dễ mua và dễ bán, kể cả 2nd hand. JD dùng Nikon nhưng phải thừa nhận dòng entry level của Canon hay hơn bội phần. Dòng entry của Nikon có những hạn chế đau đớn:

1. Không có motor lấy nét, không sử dụng được với lens AF thường giá rẻ, cụ thể như 50mm f1.8, 24mm f2.8
2. Không đo sáng với lens AI cực rẻ.

Trong khi đó, entry level của Canon có đầy đủ những tính năng đó, tiết kiệm được rất nhiều tiền khi chơi ống AF thường và đặc biệt là M42. Sẽ có đồng chí kêu là chơi Nikon entry chỉ cần lens kit nên body ko cần motor, nhưng như vậy không sướng. Với $1000, JD nghĩ chúng ta nên dính với Canon.

450D, 500D, 550D: chất ảnh không khác gì nhau, 2 máy sau còn có quay phim. JD khuyên nên lấy 2 máy sau để còn quay phim cho con cái, giữ lại để sau này xem cho vui.
Lens kit: ít ai thoát khỏi lens này vì độ tiện dụng và dễ dàng khi sử dụng.
Mua thêm:

Canon 50mm f1.8, hiệu quả so với giá tiền thực sự rất cao, chụp xóa phông cho con, chụp trong nhà khi thiếu sáng.
Speedlight 430EX: chụp gia đình những lúc tụ tập ăn uống, chụp cho cháu bé cần dùng đèn này để đánh bounce, ko nên dùng flash cóc đánh thẳng vào mắt bé, rất nguy hiểm.

Như vậy với giá thành loanh quanh $1000, nếu mua used, chắc chắn dưới $1000, các ông bố có thể phục vụ nhu cầu của mình 1 cách hoàn hảo, ăn uống họ hàng trong nhà, đi chơi gia đình gọn nhẹ, chụp bé xóa phống. Các cháu dậy thì có thể chụp ảnh cho lớp mình với lens kit 18-55, đánh bounce với 430EX khi chụp trong nhà bạn bè sinh nhật, có thể xóa phông cho các bạn gái xinh xinh băng 50mm f1.8.

Đón đọc tiếp phần sau. Nhà ai có thắc mắc thì cứ mạnh dạn giơ tay.

2. Loanh quanh $1,500usd - $2,000usd

. Niềm vui chợt đến


Đối tượng có $1,500 để đầu tư thường rơi vào các Nghệ sĩ tự phát. Một buổi sáng ngủ dậy, vẫn còn đang mặc sịp, chợt thấy chất nghệ trong người trỗi dậy, máu me cầm máy đi sáng tác. Thành phần này thuộc mọi tầng lớp già trẻ lớn bé, lún phún lông chim cho đến lông chim sắp bạc. Nhưng có lẽ rơi vào nhiều nhất các ông tuổi lỡ cỡ đi làm được lâu năm thuộc diện U30, U40 hoặc U50. Chụp ảnh để thư giãn, sáng tác cho bản thân.

Nhu cầu của đối tượng này khá rộng rãi, có thể nói là tất tần tật, từ phong cảnh cho đến gia đình, từ đời thường lang thang cho đến gái teen xóa phông, thậm chí cả macro bậy bạ nữa. Do có nhiều nhu cầu, tiền nong cũng thường dư dả hơn (đi làm lâu rồi mà, có ông làm sếp lớn) nên đầu tư cũng phải mạnh tay hơn bọn dậy thì và các bố trẻ.

Với khoản tiền này chúng ta có thể đi 2 hướng: Nikon hoặc Canon. Nếu đã dùng entry Canon thì có thể đi tiếp semi Canon hoặc muốn thẩm du thì mời qua Nikon chơi thử cho biết.

Canon 40D, 50D: đặc biệt body 40D hiện nay giá xuống rất thấp, em mang máng khoàng $700, used chỉ $500, hồi mới ra thì tận $1,300 lận. Còn 50D new đã xuống dưới $1,000usd.

Nikon: D90, D300

Lens:

Dân tình khu này chắc sẽ không thích chơi kit nữa mà thay vào đó thì muốn đủ range, chúng ta bắt đầu đi theo tiêu cự (áp dụng cho cả Ni-Ca):

Wide: thực ra mà nói 18-55mm kit đủ wide cho phần lớn thời gian, nhưng nhiều người thích super wide trên crop frame thì ở số tiền này có lẽ tokina 12-24mm f4 là rất hợp lý. JD đã sử dụng em này trên canon và thấy rất hài lòng, mua mới bây giờ chỉ $400. Lens này nét, nhẹ, độ méo hoàn toàn chấp nhận được. Có nên bỏ thêm $200 nữa để mua 11-16mm f2.8 không thì tùy nhưng JD thấy không nên, ống kính super wide thì khả năng bị rung tay outnet thấp hơn normal và tele nhiều. Thiệt 1 khẩu cũng ko sao. Có vẻ như tốc độ của f4 chậm hơn f2.8 1 stop khiên cho người đi lại bị mờ thì độ mờ đó không rõ rệt do hiệu ứng của wide angle. Và liệu thêm 1 khẩu cho wide angle có đáng để bỏ thêm $200 và hy sinh khoảng tiêu cự từ 12-14 xuống chỉ còn 11-16 không? JD cho là không, đặc biệt khi budget của chúng ta chỉ trong khoảng này.

Normal: nếu thích lang thang đời thường thì nên lấy 35mm f2.

Tele: JD ko thể hiểu nổi tại sao rất nhiều người phải mua 70-200 bằng được. Ai cũng biết sở thích chụp chân dung gái xinh chiếm số 1 ở vnphoto, nhưng đâu cần phải mua 70-200mm làm gì, thậm chì 70-200 f4. Muốn kheo hàng hay thể hiện ta đây pro thì cầm máy chả giải quyết được gì. Rất ngu. Chụp chân dung thì ống 70-200 là 1 sự lựa chọn rất dở nếu so với các lựa chọn khác. Ngày xưa JD phải mua ống này vì không biết còn có 85mm f1.8. Nếu muốn chụp chân dung thì với giá tiền này, 85mm f1.8 là số 1, chụp tối còn được, 70-200 chịu chết, khẩu bé, nặng, chụp 1 lúc thì tay run run, ảnh out nét.

Macro: sẽ có các bác trội lên nhu cầu này, JD chỉ khuyên duy nhất 1 điều nếu muốn phát huy tối đa hiệu quả: mua ống manual focus, chụp macro thì không thể auto focus trong hầu hết các trường hợp dí bén. Nikon thì nguyên 1 mớ 105mm macro manual focus, tha hồ mà chơi.

Với giá tiền này và nhu cầu chơi đa dạng thì Photoshop là tối quan trọng, nó quyết định rất nhiều đến vẻ đẹp bức ảnh. Nếu không biết gì về raw và photoshop thì bắt buộc phải nghiên cứu thì ảnh mới lên chất được.

Đối với tầm tiền $1,500 - $2,000, ngoài đối tượng Nghệ sĩ tự phát niềm vui chợt đến ra thì còn 2 đối tượng

. Tuổi già ham chơi
. Làm nghề tay trái

. Tuổi già ham chơi: nhắc đến thành phần này cháu ước gì ông ngoại cháu còn sống, cụ cũng máu chụp lắm. Đối với các cụ ở tuổi lông chim đã rụng thì tìm được 1 thú vui tuổi già thật là đáng quý. Chụp ảnh rất tốt cho tinh thần vì bắt não vẫn phải hoạt động suy nghĩ, tim mạch cũng được bảo dưỡng khi các cụ có thêm cảm hứng đi bộ hàng ngày. Cháu nghĩ ở tuổi các cụ mà bỏ ra số tiền này để hưởng thụ cũng rất đáng cho dù nhiều cụ vẫn có suy nghĩ dành dụm tiền bạc cho con cháu. Hưởng 1 tí đi các cụ ạ. Về máy móc thiết bị thì cháu sẽ không đặc nặng về yếu tố kĩ thuật với các cụ mà sẽ quan trọng về tính thực tiễn. Bây giờ, xuơng cốt không còn được như trước nữa, chưa kể nhiều cụ bị gút, bị khớp, đứng lên ngồi xuống rất khổ. Cháu biết nhiều cụ mua D3s, D700, 5D II ngon lành nhưng chúng nặng quá các cụ ạ. Không quá quan trọng chất lượng file ảnh mà lại máy móc nhẹ nhàng, mang vác dễ dàng thì cháu khuyên các cụ lấy ngay D90. D90 với chế độ quay phim giúp các cụ ghi lại những thước phim lúc họp mặt gia đình con đàn cháu đống hay mang đi quay hội họp các CLB hưu trí, thú vị nhất là vừa quay vừa chụp các cán bộ phường, hội chữ thập đỏ, Ủy ban nhân dân, thậm chí cả công an phường, công an quận, không ai sẽ gây khó dễ cho các cụ vì 2 lý do, 1 là máy nhỏ bé, 2 là họ kính trọng các cụ. Ngay cả như sinh hoạt tổ dân phố, cụ cầm máy đi chụp các cụ khác, in ảnh ra rồi đưa cho họ, người ta quý lắm các cụ ạ. Ngồi nói chuyện với nhau, lôi thêm đề tài máy ảnh ra cũng tăng phần hấp dẫn sôi nổi, phải không các cụ ?

Lens: zoom lens là nhất, đỡ phải chạy đi chạy lại, đứng lên ngồi xuống, ngó ngó nghiêng nghiêng cho dùng fix lens, các cụ chơi kit lens cũng được, không thì bán đi, làm hẳn cái 18-200 cho tiện. Ngồi ở dưới vẫn chụp được Bí thư, các lãnh đạo thành ủy phát biểu. Các cụ lại như phóng viên !

Nếu muốn các cụ có thể add thêm 1 lens như 35mm f2 hoặc 50mm f1.4 để chụp trong nhà, cháu nghiêng về 35mm f2 hơn. Rất phù hợp cho ông công ông táo, cúng lễ tổ tiên, chân dung cháu chắt trong nhà. Ngoài ra, cháu khuyên các cụ nên làm thêm 1 tripod nhỏ gọn. Thi thoảng, cuối tuần ra bờ hồ, sông Hương, sông Hàn phơi sáng rất nhã.

3. Làm nghề tay trái
Muốn chơi hiệu quả thì cách chơi rất quan trọng. Để làm nghề tay trái thì cách mua sắm còn phải hiệu quả hơn nhiều. Như em đã nói ở topic khác, chơi thì body chiếm 50% tổng kinh phí đã là nhiều, còn làm kiếm tiền thì kinh phí body không thể vượt quá 30% tổng chi phí. Với kinh phí là $2000 thì sẽ có những lựa chọn về body như sau:

Nikon: D90 và D200 (tất nhiên các bác mua body cấp thấp hơn cũng được). 2 body này là sự lựa chọn không hề tệ chút nào. So sánh 2 chú này cũng là 1 vấn đề lớn.

D90 công nghệ mới hơn, khử noise tốt hơn.
D200 body pro hơn, bền bỉ hơn, đặc biệt đo sáng được với các manual lenses.

Nếu để chơi thì JD sẽ khuyên các bác múc ngay D90, nhưng để làm thì nó là chuyện khác. D200 phù hợp với công việc hơn với kết cấu có sẵn của body, tiết kiệm được tiền vào manual lens. JD sẽ mua D200 thay vì D90 để làm việc. Đối với công việc chụp ảnh thì độ bền là yếu tố tối quan trọng, quan trọng hơn khử noise nhiều. Bắt buộc phải có ảnh, đây là kim chỉ nam 1 khi chụp kiếm tiền. D200 cũ hiện nay giá chỉ loanh quanh $500. Chưa thể nghĩ tới D300 trong tầm tiền này được vì D300 cũ vẫn hơn $1000.

Canon:

Tương đương như Nikon, JD sẽ chọn ngay 40D không cần suy nghĩ. Các bác phải hiểu 1 điều rằng 1 khi chụp kiếm tiền thì chúng ta sẽ không quan tâm nhiều đến những chi tiết kĩ thuật tiểu tiết như D200 với 40D cái nào khử noise tốt hơn. Chụp tiền thì chỉ quan tâm đến 2 thứ: ánh sáng và chiều khách. Trong thâm tâm JD, Canon 40D vẫn là 1 chiếc máy đẳng cấp, xuất sắc. Hồi mới ra năm 2008, 40D tạo ra cơn lốc mạnh hơn 50D nhiều, rất nhiều Pro sử dụng 40D. Hiện nay, JD nghĩ 40D là 1 chiếc máy có hiệu quả rất cao so với giá tiền, mua cũ cũng chỉ $500.


Ống kính

Đoạn này tư vấn rất khó, nó phụ thuộc vào đối tượng khách hàng và phong cách của nhiếp ảnh gia. Chúng ta thống nhất với nhau loại khách hàng phổ biến cho dễ thảo luận: chân dung và đám cưới. Những ống kính sau sẽ là những ống kính ra tiền:

Tamron 17-50mm f2.8: JD đã dùng ống này chụp đám và rất hài lòng về độ zoom, khẩu f2.8 và giá thành rẻ. Rất tốt cho góc rộng ngoại cảnh, đám cưới tiệc tùng ăn uống, thậm chí studio cũng rất tiện. $400

85mm f1.8 (canon và nikon): rẻ mà chất lượng quá tốt, chân dung ngoại cảnh tuyệt vời, nhất là có thể chụp cho khách vào buổi tối cần bokeh, kết hợp với speedlite thì tuyệt hảo. $400

Speed light: 2 đèn SB 600 cho Nikon và 2 đèn 430EX cho Canon để có thể chụp studio, strobist, tiệc tùng. $450

Chân đèn, dù, soft box, Yongnuo kích hoạt, phản sáng, phông màn, chân dựng phông: $250

Tổng kết

Canon 40D hoặc Nikon D200: $500

Lens
Tamron 17-50mm f2.8: $400
Nikon 85mm f1.8: : $400
$800 

2 speed lights $450

Phụ kiện đèn $250

Tổng chi phí: $2,000


Đối tượng chỉ có $500 hoặc chỉ muốn bỏ ra $500 sẽ rơi vào 2 thành phần:


1. Tài chính eo hẹp: các em sinh viên nghèo vượt khó, gia đình thuộc diện chính sách, gia đình có công với cách mạng, con em thương binh, và trẻ em lang thang cơ nhỡ.

2. Cục tiền rơi vào đầu: những ông đã có hết máy móc thiết bị rồi, tự dưng ăn được con lô, trúng được con đề, đớp được quả thầu mua thiết bị văn phòng cho cơ quan, hoặc cai bia bỏ bồ được vợ mừng tuổi lì xì cho $500, hoặc có ông cậu Việt kiều về nước quẳng cho tí xèng đi chơi gái.

Nhu cầu:

1. Học hỏi đam mê nhiếp ảnh:
 cháu nào muốn nghiêm túc luyện tập chụp choẹt thì tránh xa Point and Shoot. Bắt buộc phải DSLR. PnS học cũng được nhưng nó có những hạn chế không thể khắc phục được, nhất là về ống kính. Sự đa dạng của ống kính DSLR cũng là 1 đề tài lớn để chúng ta rèn luyện. Nhất là đối với chim non mới tập chụp ảnh thì rất thích chụp xóa phông, PnS không xóa phông gái teen nổi đâu.

Với vấn đề "đầu tiên" quá hạn chế, các cháu không thể mua mới được, cứ hàng cũ mà phang.

Bộ 450D + kit used cũng phải gần $500 rồi, chắc không chơi được. Chú nghĩ các cháu chỉ nên chọn lựa giữa các option sau:

Canon 350D hoặc 400D kèm kit khoảng hơn $300. Làm thêm thẻ nhớ, tripod nữa cũng gần $400. Các cháu này nếu muốn mua Nikon D40 cũng nên xem lại, bộ kit used D40 cũng chỉ hơn $300 1 tí. Tuy nhiên, tài chính rất eo hẹp, khi các cháu muốn chơi thêm các ống kính khác hay hơn thì chỉ có các Manual Focus lens thì các cháu mới đủ tiền, mà đã chơi MF thì entry Nikon không có cửa so với entry Canon, nhất là đoạn không đo sáng được. Điều này khiến cho nhiều cháu mới chơi sinh nản và bỏ cuộc.

Lời khuyên chân thành: Những dòng máy cấp thấp như thế này thì chất ảnh không hề khác nhau nhiều, nói chung là như nhau hết, cho nên các cháu không cần phải đắn đo 300D hay 350D hay 400D, bản thân chú dùng 350D rồi. Không cần lo lắng mặc cảm với những thằng lố thừa tiền đâu. Các cháu cứ làm như sau:

. Sắm 1 em tripod, lên hàm cá mập phơi sáng hồ Gươm hoặc ra cầu Thủ Thiêm ở Saigon mà phơi. Các cháu sẽ vô cùng thích thú với hiệu ứng đèn xe chạy thành 1 vệt hoặc mặt nước con sông mượt như nhung.

. Sắm em 50mm f1.8 AF (auto focus trước đã, MF để sau): chụp ông già, bà già, con hàng xóm, con mèo, con chó, con em họ, con người yêu (nếu có), nói chung ở giai đoạn này thì chụp thật mạnh, không cần phải suy nghĩ gì đến ý tưởng hay ý niệm gì cả. Phải điều khiển được thiết bị đã. Quan trọng nhất là chọn chế độ đo sáng, phong cảnh thì cứ chọn evaluate metering, chân dung thì spot metering, chú ý chụp chân dung thì chọn auto focus point rồi chọn điểm focus để focus vào mắt nhé.

. Photoshop, photoshop và photoshop: nghe nhiều cụ kể chuyện dùng máy bèo ở vn dễ bị khinh, thế thì ảnh phải đẹp để đéo thằng nào khinh được. Tốt nhất là chụp Raw cho dễ chỉnh, nếu không JPEG ban đầu cũng được, vào PS thì cứ nghịch 3 cái level, constrast trước đã rồi mò tiếp.

Thừa tiền đéo biết mua gì:
Nhiều đối tượng súng ống đã đủ, tự nhiên 1 cục tiền rơi vào đầu mà chả biết sắm cái gì. Nhu cầu đi phượt, lang thang và karaoke tay vịn vẫn chất ngất thì nên làm 1 em PnS. Tưởng tượng đi karaoke cứ ôm cái DSLR to đùng đi thì cũng phát chán, khác chó gì rước theo cục nợ. Nhiều khi muốn có 1 máy đút túi quân, bỏ túi áo mà thèm. Vậy thì chơi ngay 1 quả PnS là đoàn chuẩn.

PnS trên đời này nhiều hơn lá mùa thu. Các em gái phồng mang trợn má, tay chữ V, mắt chữ A, mồm chữ O tự sướng trong toa-lét chọn PnS rất đơn giản, cứ nhắm cái nào trông đẹp nhất là mua, màu nào yểu điệu nhất là múc. Đối với những ông súng ống DSLR đã đủ thì lựa chọn PnS khó hơn nhiều, chọn không chuẩn thì sẽ hối hận. Đây là những tiêu chí mà JD đặt ra khi mua PnS cho đối tượng này:

- Chụp Raw được
- Có hot shoe còn cắm flash và trigger
- Có tripod socket còn cắm lên tripod được
- Ít chấm thôi, nhiều quá lại noise

Đến đây thì sự lựa chọn sẽ chốt lại loanh quanh ở G9, G10, G10, LX3, LX5, S90. JD khuyên chân thành các bác lấy G11. Trong dòng Canon G thì G11 mới nhất, công nghệ cải tiến nhất, ít chấm hơn hẳn G10 nên noise ít hơn nhiều, máy này chụp tối rất xuất sắc khi so với dòng PnS. S90 thì lại không có hot shoe. LX thì vướng cái nắp đậy ống kính. G11 tắt máy thì ống kính sẽ tự đóng, không bị vướng cái nắp rời như LX.

Ngoài ra, JD thích G11 vì cái thiết kế của nó tiện ích hơn LX, dáng dấp trông cũng đàn ông, ko đĩ đĩ như mấy cái PnS khác. Cháu nó đây:



Đầu tiên, JD rất sướng vì G11 có hot shoe để có thể chụp strobe nếu muốn. Hơn nữa, ISO lại xuống được tận ISO 80 nên có thể làm tối background rất tốt, ảnh ở ISO 80 không thua gì các DSLR dòng entry level. Mịn, mượt, và dày. Hơn nữa, G11 có chế độ macro nên rất tiện cho việc chụp sản phẩm nho nhỏ, đặc biệt lấy nét buổi tối cực tốt, 1 phần cũng vì ống kính góc siêu rộng 6mm (tương đương 24mm FX). Trong điều kiện mù mờ như sau thì đến như D40 hay D5000 còn khó lấy nét nhưng G11 lấy nét ăn ngay:

G11 + strobe:








Tuy nhiên, khi chụp với flash thì chú ý đến WB của G11, hơi quái 1 tí. WB cao hơn bình thường so với DSLR, ví dụ như bức dưới đây JD để 5000K là chuẩn cho speed light nhưng lại khá đỏ so với G11. Các bác nên chụp Raw với máy này.



G11 cái tiến so với G10 ở màn hình xoay lật, rất tiện lợi cho chúng ta khi chụp macro ở tư thế khó hoặc chụp đời thường. Các bác có thể xoay màn hình ngửa lên, nhìn từ trên xuống dưới như kiểu waist finder của Medium Format, đối tượng sẽ khó biết mình đang bị chụp mặc dù đứng rất gần.




Macro xoay màn hình




Đặc biệt, JD rất hài lòng với file Raw của G11, chúng ta có thể chỉnh sửa rất nhiều mà không sợ bị noise hay hỏng màu. Cứu sáng hay cứu tối đều chuẩn hết. So với dòng PnS thì đây quả là 1 điều bất ngờ, trước đây JD ko hề nghĩ với PnS lại có thể nghịch ở Photoshop nhiều như vậy:








Tuy nhiên, G11 vẫn có những hạn chế cố hữu:

Noise: đến ISO 400 vẫn OK, chấp nhận được, ISO 800 tương đối nhiều noise lắm rồi, chuyển sang BW thì vẫn ok, ISO 1600 thì không thể sử dụng được vì noise quá nhiều, chắc cũng chỉ in được cỡ 4*6 in là cùng.

Viewfinder: đây vừa là điểm mạnh, vừa là điểm kém. Dùng VF rất tiết kiệm pin, phù hợp cho chụp đời thường. Khi zoom thì VF cũng zoom theo. Tuy nhiên, VF không hiển thị thông số gì, laij chỉ cover mỗi 70% frame nên bố cục hơi khó khăn.

Kể cả G11 có hay thế nào đi chăng nữa, PnS có hay đến đâu đi chăng nữa thì nó không thể thay thế DSLR. Đừng bác nào bán DSLR chỉ để dùng PnS nếu muốn chất lượng ảnh tốt nhất. PnS vẫn luôn có những hạn chế so với DSLR, đặc biệt về ống kính và noise khi sensor quá bé. Ống kính không thay được. G11 sẽ là bổ trợ tốt nhất cho bộ DSLR của chúng ta. Nhất là khi cần đi chơi nhẹ nhàng, ko muốn mang máy móc lỉnh kỉnh. Các bác sẽ ngạc nhiên với chất lượng file Raw của G11. Bảo đảm !

Mà sướng nhất là nó bé, đút túi quần, túi áo, chụp lúc nào cũng tiện. Cho nên, với đối tượng có thừa 500usd mà có nhu cầu nhỏ gọn đút túi PnS thì nên xúc G11.



Tư vấn tiêu cự 50mm và 85mm 
Trong quá trình chụp ảnh và mua sắm thiết bị thì không ai có thể bỏ qua 2 tiêu cự phổ biến nhất này. Mặc dù sự lựa chọn là không nhiều nhưng quá trình tìm hiểu để chọn mua 1 ống kính phù hợp nhất với nhu cầu và giá thành có lẽ phức tạp hơn chúng ta nghĩ.

Topic này JD sẽ chia sẻ với các bác về việc chọn lựa giữa các ống kình 50mm và 85mm một cách hiệu quả nhất. Mỗi người mỗi khác, vì vậy, cách thức mua sắm cũng khác nhau. Nếu có thật nhiều tiền và muốn chơi đồ xịn nhất thì mọi việc trở nên rất đơn giản. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Do đó, JD sẽ tư vấn dựa trên tiêu chí hiệu quả phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Với người dùng FX:

JD luôn có 1 quan niệm từ ngày xưa, nghĩ lại thấy càng đúng: tiền mua body không thể vượt quá 50% tổng số tiền đầu tư ban đầu. Cách tiếp cận này hoàn toàn đúng với người chơi ảnh, vì chơi đâu chỉ chơi mỗi cái body đâu, còn phải biết chơi các tiêu cự ống kính, chơi đèn, chơi phơi sáng, vân vân và vân vân. Đồi với người kiếm tiền bằng nhiếp ảnh thì còn đúng hơn nữa, thậm chí tiền máy bằng 50% tổng kinh phí vẫn còn quá nhiều, khoảng 30% là đủ vì người chụp ảnh kiếm tiền tốn rất nhiều chi phí, cụ thể như phông, đèn, các loại chân, các loại light modifier, tiền quảng cáo, chi phí đi lại.

Vì vậy, nếu chỉ có $3,000 thì rất không nên đầu tư full-frame. Tất nhiên, nếu chỉ chơi ảnh cho vui, chúng ta vẫn có thể đầu tư bộ D700 + 50mm f1.4 với kinh phí đó rồi sau này đầu tư thêm. Tuy nhiên, cách chơi như vậy rất tốn tiền mà độ sướng không hề cao. Các bác nên nhớ rằng: "Đã chơi là phải sướng." Cũng với $3,000 để chơi ảnh thì chỉ cần đầu tư D90 hay cùng lắm là D300s thì chắc chắn 100% rằng các bác sẽ "sướng" hơn thằng Full-frame nhiều lần vì các bác có thể chơi ngay các thể loại ống kính, chơi strobist, và có chi phí để đi phượt sáng tác.

Chốt lại, trong bài này cho FX users, JD chỉ nhắm đến các đối tượng còn thừa $2,000usd.

Trước khi đi tiếp thì JD xin trả lời ngắn gọn, kể cả ông có kiếm tiền hay chụp chơi chân dung, đời thường, gia đình thì đây là cà 2 tiêu cự mà FX bắt buộc phải có, phải khám phá.

Trước tiên, đối với tiêu cự 50mm:

Đây là tiêu cự cổ điển từ thời xa xưa, ống kính 50mm chính là kit lens của các máy phim cổ. Dễ chế tạo, giá thành rẻ, khẩu lớn, đặc biệt hơn cả, độ phóng đại ở tiêu cự 50mm bằng đúng với độ phóng đại của mắt người. Do vậy, sử dụng ống 50mm trên FX body là việc rất dễ dàng, ngoài ra JD thấy ống 50mm nào cũng rất nét, kể cả ông cụ non-AI 50mm f1.4 từ thời ơ kìa. Ngoài ra, nó còn giúp cho chúng ta tập luyện về góc nhìn rất dễ dàng. Vậy chúng ta nên chọn ống 50mm nào khi có rất nhiều ống 50mm ngoài thị trường:

50mm f1.8: rất rẻ, tuy nhiên, nhiều người phàn nàn bokeh không mượt. Có $2000 thì nên mua hẳn 50mm f1.4 để tăng vẻ đẹp cho bokeh.

50mm f1.4 non và D: ống non D thì JD mới chỉ sử dụng trong 1 tuần còn ống D thì dùng lâu hơn 1 chút, không rõ cấu tạo của 1 ống có giống hệt nhau không. JD thấy ống 50mm f1.4D bị viền tím rất nặng, nặng hơn các ống prime khác.

50mm f1.4G: ống này hiện nay đang sử dụng, focus cực êm, có manual override, nhỏ gọn và nhẹ, rất phù hợp cho việc lang thang thơ thẩn sáng tác, tuy có AF-S nhưng tốc độ auto focus không hề nhanh hơn 50mm f1.4D.

Sigma 50mm f1.4: JD sử dụng ống này 2 năm thì bán vì nó to và nặng so với nhu cầu của mình. Để nói về chất lượng thấu kính thì con Sigma này hơn hẳn Nikon, bokeh mượt hơn 1 chút. Mở khẩu f1.4 trên FX cũng không hề bị tối góc trong khi Nikon G bị tối góc trông thấy. Sigma 50mm f1.4 lấy nét cực nhanh nhưng không êm bằng G. Tuy nhiên, ảnh không tương phản được như G.

Đối với các bác FX thì việc lựa chọn ống 50mm khá đơn giản. JD nghĩ chỉ nên tập trung vào Nikon G hoặc Sigma. Nếu muốn nhỏ gọn, lang thang đời thường thì nên lấy Nikon G. Nếu suốt ngày chụp ở f1.4, ko sợ to nặng thì nên lấy Sigma.

Tiêu cự 85mm:

Đây là tiêu cự đặc biệt xuất sắc cho việc chụp chân dung cổ điển bán thân. Kinh nghiệm chụp gái của JD cho thấy, muốn ảnh nổi khôir thì chỉ cần làm 1 trong 2 việc sau:

1. Ánh sáng ngang
2. Lắp 85mm lên FX

Trên FX với 85mm chụp chân dung bán thân, chúng ta sẽ thấy bức ảnh có hiệu ứng 3D, cảm giác như chủ thể lồi ra khỏi tấm ảnh mà vẫn đẹp mịn màng. Cc ống kính tele như 135mm,180mm, 200mm khi chụp người sẽ có hiệu ứng 'compression', người sẽ bị bẹt lại, background sẽ được phóng to ra, không hề còn cảm giác 3D như tiêu cự 85mm. Hiệu ứng 'compression' kia phù hợp với việc chụp thời trang hơn. Ngoài ra, ở tiêu cự 85mm trên FX, chúng ta đứng đủ gần để điều khiển mẫu và cũng đủ xa để đối tượng không bị cóng, không bị rét.

Hiện nay Nikon

Hiện tại, Nikon có 3 ống tiêu cự 85mm. Hầu hết người dùng FX đều quan niệm phải chơi 85mm f1.4 vì ống này xóa phông cực đỉnh, trên FX mới thật sự phát huy giá trị đó khi chúng ta phải đứng gần với chủ thể hơn so với dùng trên DX, bokeh lại càng được mịn màng.

85mm f1.4G: mới ra, chưa ai dùng, giá ở trên trời $1,700usd, đắt lòi dư lày thì đéo ai thèm chơi (các bác đừng bắt chước em nói bậy nhé không em lại bị đệ tử anh Lô sờ gáy vì tội 'ảnh hưởng xấu đến cộng đồng'). Do vậy, dựa trên tiêu chí hiệu quả với đồng vốn thì không ai lại mua ống này, trừ các ông thừa tiền chơi máy.

85mm f1.4D: so với giá tiền hồi JD mua mới là $900 thì đây quả là 1 ống tuyệt vời, là ống kính mà JD thu hồi vồn nhanh nhất. 75% ảnh gái, thời trang, chân dung ngoại cảnh của JD đều chụp từ ống kính này. Nét ngay ở f1.4, ngoài rìa kém nét hơn nhưng ko bị tối góc nặng như 50mm f1.4G. Đặc biệt, do coating của ống này để chuyện chụp chân dung, JD tiết kiệm được rất nhiều thời gian vào việc post-processing. Không hiểu tại sao, nhưng ảnh cũng chụp từ D700 mà các ống kính khác không có được skin-tone dễ chịu như ống này. Các FX users nếu chụp chân dung thì ống này không thể không có.

Đối tượng sử dụng DX:

Với đối tượng này thì việc lựa chọn sẽ phức tạp hơn FX nhiều vì góc nhìn trên ống kính sẽ bi thay đổi do sensor nhỏ hơn FX. Vấn đề lựa chọn góc nhìn theo ống kính xét cho cùng cũng chỉ là ý kiến chủ quan. Ví dụ, nhiều người nói rằng 50mm trên DX rất dở, quá hẹp cho đời thường lang thang và quá ngắn cho chân dung cổ điển. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người hài lòng với 50mm trên DX và cho ra nhiều tác phẩm cực hoành tráng. Cho nên, xét cho cùng, tất cả cũng do thói quen và sở thích của từng người. Cá nhân JD thì thấy thế này (suy nghĩ này cũng 1 phần do thói quen chụp): mặc dù ống 50mm rất rẻ (50mm f1.8) nhưng JD không bao giờ thích dùng 50mm trên DX, cảm giác nó quá hẹp cho nhu cầu thường ngày và chưa đủ xa cho chân dung xóa phông, đúng như những gì mọi người thường nói.

Bản thân JD cũng là người sử dụng DX thì thấy rằng: dùng DX thì nên lấy ngay tiêu cự 35mm. JD rất thích và rất tin tưởng vào góc nhìn 50mm (normal perspective) trên FX. Muốn đạt được góc nhìn 50mm bình thường trên DX thì chúng ta phải sử dụng lens 35mm. Việc lựa chọn lens 35mm nào thì JD đã trình bày ở đây.

Nếu cho JD bắt đầu lại từ đầu với DX thì JD cũng không mua lens 50mm mà sẽ chơi cặp 35mm và 85mm. Đối với việc chụp chân dung cổ điển (sáng mặt, xóa phông dịu dàng) trên DX thì đến thời điểm hiện tại, xét trên giá tiền hiệu năng thì CHƯA có 1 lens nào có thể qua mặt được 85mm f1.8. Hồi JD mua lens này brand new cũng mới chỉ có $350usd nhưng những gì nó làm được thì vượt qua cái giá tiền đó rất nhiều.

Đến đây, sẽ có nhiều người hỏi: tại sao trên FX thì JD khuyên 85mm f1.4 trong khi với DX thì lại 85mm f1.8 ???

Câu trả lời rất đơn giản. Quay lại vấn đề về cách đầu tư body (50% trên tổng số kinh phí), người dùng FX vẫn còn dư kha khá tiền. Tuy nhiên, cái quan trọng hơn chính lại thuộc về vấn đế "giá trị và khả năng sử dụng". Một khi anh đã muốn mua 85mm f1.4, có nghĩa là anh rất thích chụp xóa phông, thích bokeh mịn màng (85mm f1.8 bokeh cũng mịn thôi). Để phát huy được tối đa sức mạnh của 85mm f1.4 với vấn đề xóa phông thì chỉ có body FX mới tận dụng được. Sensor lớn hơn, góc nhìn rộng hơn DX, ta phải đứng gần với chủ thể hơn DX, phông xóa sẽ mạnh hơn, bokeh sẽ đẹp hơn. 85mm f1.4 cắm vào DX chụp cũng rất đẹp nhưng không thể phát huy toàn bộ sức mạnh của nó như cắm trên FX. Vì vậy, với DX, chúng ta nên mua 85mm f1.8

85mm f1.8: nếu nói về giá tiền hiệu năng, thực sự ít lens nào qua mặt được lens này, kể cả 50mm f1.8. JD đã sử dụng cả 85mm f1.8 lẫn 1.4 và có chung cảm nhận với những người khác sử dụng cả 2 lens rằng: 85mm f1.8 nét hơn 1.4 ở mọi khẩu độ. Về chất ảnh thì bác nào đã dùng 85mm f1.8 chắc chắn không có điều gì để chê. Tuy nhiên, không có cái gì là hoàn hảo, lens nào cũng có 1 số hạn chế (mặc dù những hạn chế này không đáng kể hoặc không ảnh hưởng):

Viền tím: kì lạ 1 điều là con 85mm f1.8 của JD không hề bị viền tím 1 chút nào. Những bức ảnh mọi người post trên mạng kêu viền tím thì JD thấy nhẹ nhàng hơn 50mm f1.4D nhiều. Hơn nữa, viền tím ít như của 85mm f1.8 bây giờ không còn là vấn đề, Lightroom hay Camera raw đều có công cụ để chữa rất nhanh, chưa đến 3 giây.

Ồn: phải công nhận đây là lens lấy nét ồn nhất mà JD từng dùng, rẹt, rẹt, ẹc ẹc ... Tuy nhiên, JD chưa bao giờ coi đây là 1 vấn đề lớn. Các bác cứ thử nghĩ xem, lấy nét ồn có ảnh hưởng đến chất lượng ảnh không? Lấy nét ồn có ảnh hưởng đến việc chụp ảnh của mình không? Chắc chắn là không. Một số bác nói chuyện rất nhố, "con này lấy nét ồn nên chụp chỗ hội nghị rất ngại". Mẹ, thế lúc chụp thì máy ảnh của các bố có màn chập gương lật không ? Hố hố hố !!! Nhã quá đê !

Nói thực, em bán 85mm f1.8 để mua 85mm f1.4 chỉ ì 1 lý do duy nhất: thích xóa phông mạnh với FX. Nếu nói về độ nét, giá tiền hiệu năng cho việc chụp chân dung thì 85mm f1.8 là nhất.

Bác nào có thắc mắc gì cứ tự nhiên nhé :D Hy vọng sau topic này thì forum mình đỡ nặng mấy quả topic 85mm f1.8 vs 50mm f1.4.

================== Kết thúc Phần I  =================

Nhận xét

Bài đăng phổ biến